frameleft href
frameright
 

Những địa danh nổi tiếng

Bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú như đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa,... Phú Yên còn hấp dẫn du khách bởi sự lắng đọng, đan xen, hoà quyện của nhiều trầm tích văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, bởi những địa danh gắn liền với biết bao chiến công vang dội trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Những di tích ấy, dẫu còn nguyên vẹn hay chỉ là phế tích, vẫn mãi là những biểu trưng cho sự tài hoa và dũng khí - niềm tự hào của đất và người Phú Yên

1. Thành Hồ

Thành Hồ nằm tại thôn An Nghiệp, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà. Các cuộc khảo sát trước đây cho thấy, thành Hồ có hình chữ nhật, nằm dựa lưng vào chân núi, với thế phòng thủ kiên cố. Mặt bắc và mặt đông là đồng ruộng, mặt tây núi rừng hiểm trở, sông Đà Rằng (sông Ba) trải rộng ở mặt nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết trong sách Non nước Phú Yên như sau: "Thành được xây làm 2 lớp: thành ngoại và thành nội. Thành ngoại cách thành nội 150 m. Bờ thành được xây bằng gạch Chàm như gạch xây các tháp, theo hình thang, dưới chân rộng khoảng 30 m, trên mặt rộng khoảng 10 - 15 m. Trên mặt thành có lối đi ở giữa, rộng khoảng 3 - 4 m, sâu xuống ngang lưng, quân lính, xe ngựa có thể đi lại trên đường này. Tại 4 góc trên mặt thành, cách khoảng 200 - 300 m, người ta lại xây cao lên như pháo đài, có lẽ là những chòi canh. Ngày nay, những ụ đất này vẫn còn.

2. Cổ thành

Di tích Cổ thành (thành cũ) nằm ở thôn Hội Phú, nay thuộc địa phận xã An Ninh. Cổ thành có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 300 m. Tường thành khá cao, xây bằng gạch nung và bằng đá. Tuy đã bị tàn phá khá nhiều, song hiện nay tường thành vẫn có chỗ cao bằng đầu người. Thành dựng ngay cạnh dòng sông, nên một góc thành đã bị dòng sông đổi dòng xói lở, cuốn trôi. Phía ngoài cửa sông chảy ra vịnh Xuân Đài có xóm Thủy. Nơi đây là căn cứ hải quân thuộc dinh Phú Yên. Gần thành có xóm Thành (cũ), chợ Thành (cũ).

Thành mới được xây dựng từ thời vua Minh Mạng tại thôn Long Uyên, nay thuộc địa phận xã An Dân, theo kiểu Vauban, hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 200 m. Tường thành xây bằng đá vôi, cao khoảng 2 m, dày khoảng 80 cm. Xung quanh thành có hào sâu. Bốn mặt có 4 cửa: tiền - hậu - tả - hữu. Ngoài mỗi cửa có miếu thờ thần (nay vẫn còn). Gần cửa tả có một ao nước gọi là bầu cửa tả.

Năm 1888, tỉnh lỵ Phú Yên từ Long Uyên chuyển về Tân Thạnh (Vũng Lấm) cho gần tòa Công sứ Pháp đang đóng tại đó. Đến năm 1889, tòa Công sứ Pháp chuyển đến Sông Cầu, tỉnh lỵ Phú Yên cũng dời đến thành Long Bình. Thành Long Bình không có hào, chu vi 155 m và tồn tại đến năm 1945.

3. Miếu Biểu Trung

Miếu lập năm 1802, sau khi vua Gia Long lên ngôi, gọi là Cù Mông công thần miếu. Năm 1851 vua Tự Đức đổi lại là miếu Biểu Trung.

Miếu Biểu Trung xây dựng tại hòn Nần, một mỏm đất nhô ra giữa vịnh, nổi lên mặt biển khoảng 36 m, chu vi khoảng 800 m, gồm 2 ngọn đồi. Ngọn đồi phía nam dáng tròn, ngọn đồi phía bắc trải dài hơn. Phía trước ngôi miếu là một bình phong lớn, đắp hình hai con cọp và một dãy gồm sáu trụ biểu được đắp rồng uốn lượn. Qua bậc tam cấp là vào đến sân miếu. Tất cả dãy nhà trong miếu có cùng kiểu kiến trúc, chiều dài 23 m, chiều rộng 11 m. Năm gian và hai chái, lợp ngói. Bên trong có hai dãy dài, mỗi dãy có tám cột lớn bằng gỗ, cao 5 m, chu vi hơn 01 m. Tương truyền, miếu Biểu Trung thờ 516 người trong quân ngũ của Gia Long đã tử trận.

Núi Đá Bia

4. Núi Đá Bia

Núi Đá Bia nằm trên dãy đèo Cả. Núi cao 706 m, phía đông liền với hòn Bà sát biển, chân núi phía tây là quốc lộ 1A, phía bắc liền với núi Đông Sơn, chân núi phía nam giáp vũng Rô.

5. Di tích tháp Chàm ở Núi Bà

Di tích này thuộc thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong. Núi Bà cao 28 m, sườn núi phía đông và nam dốc thoai thoải, sườn núi phía tây và đông thẳng đứng. Dưới chân núi phía bắc, phía tây là sông Đà Rằng (sông Ba) uốn lượn quanh co, tạo nên phong cảnh khá đẹp. Từ đỉnh núi Bà có thể nhìn bao quát một vùng đất rộng lớn của Tuy Hòa. Có lẽ do nằm ở địa thế trung tâm, nên người Chăm đã chọn nơi đây xây dựng công trình kiến trúc - tôn giáo.

6. Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh

Đối với nhân dân Phú Yên, Lương Văn Chánh là vị thành hoàng mở đất lập làng, bảo vệ nhân dân. Đền thờ Lương Văn Chánh hiện ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, nằm ở khu vực có địa hình phong quang, phía trước là sông Bến Lội, phía sau là núi Cấm, núi ơn, núi ó.

Mộ Lương Văn Chánh nằm ở phía đông bắc thôn, trên một gò cao, quay mặt về phía sông Bến Lội, hướng thẳng về núi Chóp Chài. Mộ có hình mai rùa, chiều dài 3,2 m, chiều rộng 1,6 m, phía trước mộ có hương án cao 1,5 m, bình phong cao một mét, xung quanh có tường bao bọc: dài 7 m, rộng 5 m.

Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia ngày 5-10-1996.

Đền thờ Lê Thành Phương (xã An Hiệp, huyện Tuy An, Phú Yên)

7. Mộ và đền thờ Lê Thành Phương

Mộ Lê Thành Phương đặt trên núi Đá Trắng, thuộc dãy núi Bà Bốn, thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp. Quanh mộ có xây bức thành hình tròn bằng đá, phía trước mộ có tấm bia khắc chữ Hán: "Lê Thành Phương chi mộ, hai bên tả, hữu có câu: "Quốc gia tri ân và "Anh hùng liệt sĩ.

Đền thờ Lê Thành Phương được xây dựng dưới chân núi Đá Chồng. Trên đỉnh đền đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, nền lát gạch, chính giữa đền đặt hương án và bàn thờ, trên đó có bài vị và bức chân dung Lê Thành Phương mặc áo giáp, tướng mạo oai nghiêm. Trên cột và xung quanh tường có nhiều câu đối, được đắp nổi hoặc viết bằng chữ Hán.

8. Nhà tưởng niệm Bác Hồ

Năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã ra đi, để lại lòng thương tiếc vô hạn cho nhân dân Việt Nam. Tưởng nhớ công lao của Người, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên đã dùng tranh, tre, nứa, lá dựng ngôi nhà tạm tại truông Bà Viên, xã Sơn Định, huyện Sơn Hoà, làm nơi tổ chức lễ tang Bác. Sau đó, ngôi nhà này trở thành nơi thờ Bác Hồ tại Phú Yên.

9. Chùa Đá Trắng (chùa Từ Quang)

Chùa Đá Trắng nằm ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, được xây dựng ở độ cao gần 100 m so với mặt nước biển. Xung quanh chùa là rừng núi thâm u, cô tịch, cảnh trí hấp dẫn. Từ chân núi, theo đường mòn được xếp bằng đá lên đến chùa, du khách có cảm giác như đã rũ sạch bụi trần, tâm hồn trở nên thư thái, thanh tịnh như đi vào chốn bồng lai.

Kiến trúc chùa Từ Quang cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở Phú Yên. Ngoài cùng là bờ thành bằng đá, chính diện là cổng tam quan. Mặt tiền bình phong là phù điêu đắp nổi hình con phượng ẩn hiện trong mây, mặt hậu bình phong đắp nổi hình con lân. Tiếp theo là một khoảng đất bằng phẳng dùng để làm vườn chùa. Qua khỏi vườn là đến sân. Từ sân bước theo tam cấp vào chính điện là nơi thờ Phật. Tại đây có treo một đại hồng chông, đúc năm 1797. Sau chính điện là nhà hậu, trong nhà hậu có thờ Địa Tạng, Tiêu Diện.

Tổng diện tích đất chùa khoảng 5.000 m2, phía tây là nơi xây dựng tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì chùa Từ Quang mà khởi thủy là hòa thượng Pháp Chuyên. Tháp được xây ở vị trí cao nhất, đồng thời là ngôi tháp đồ sộ, uy nghi và đẹp nhất.

Xung quanh chùa là vườn xoài. Xoài ở chùa Từ Quang rất nổi tiếng với câu "xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa, đến nay còn hơn 30 cây gồm 2 loại chính là xoài muỗng và xoài tượng. Đây là loại xoài tiến vua, mang hiệu "Bạch Thạch Yêm Ba. Xoài Đá Trắng Phú Yên là một trong "Nhị bảo ngự thiện, hai sản vật các vua đầu triều Nguyễn ưa thích.

Tháp Nhạn

10. Chùa Hồ Sơn

Chùa Hồ Sơn (còn được gọi là "Hồ Sơn cổ tự) là một trong những ngôi chùa vào loại lớn của Phú Yên, nay thuộc xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích của kiến trúc cổ của người Chăm. Vì thấy chùa nằm gần với khu Nhạn Tháp, nên nhân dân trong vùng dựng lên truyền thuyết cho rằng: khu Hồ Sơn cổ tự xưa là khu lò gạch mà người Chăm dùng xây tháp Nhạn.

11. Tháp Nhạn

Tháp Nhạn thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa. Đây là công trình kiến trúc vào loại lớn của người Chăm, xây dựng vào thế kỷ X - XIII.

12. Di tích danh thắng đầm ô Loan

Đầm ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hòa 22 km. Đây là địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên.

Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như chim phượng đang xòe cánh. ô Loan là đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền, có nhiều loại thuỷ đặc sản nổi tiếng như: sò huyết, hàu, cua huỳnh đế, tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.

Phong cảnh non xanh nước biếc của Ô Loan là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ sáng tác. Thi sĩ Xuân Diệu đã viết thơ về đầm Ô Loan:

Đầm ô Loan, đầm ô Loan.

Nước trời cùng với mây liên hoàn

Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở

Khí mát lan bay sắc đẹp tràn

Cao thấp đồi quanh gấm dựng lên

Lục thêu cùng biếc với xanh lam

Sắn, khoai sức tốt phây phây lượn

Mía, bắp trông xa một sắc liền....

Hàng năm, đến ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng đầm Ô Loan được tổ chức. Hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống Phú Yên.

Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích, danh thắng quốc gia.

13. Thắng cảnh gành Đá Đĩa

Ở dọc ven biển miền Trung có rất nhiều gành đá, song có lẽ độc đáo và đẹp vào bậc nhất phải kể đến gành Đá Đĩa thuộc thôn 6, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Đây thực sự là thắng cảnh hiếm thấy của thiên nhiên.

Gành Đá Đĩa có chiều rộng 50 m và trải dài hơn 2.000 m. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột liền khít nhau, đều tăm tắp. Các cột đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn giống như một chiếc đĩa đựng thức ăn. Do đặc điểm này mới có tên là gành Đá Đĩa. Sóng vỗ lên mài dũa cho đá một màu đen huyền, có những chỗ in dấu thời gian hằn xuống lốm đốm như tổ ong. Cạnh gành có bãi cát hình lưỡi liềm, dài khoảng 3 km, cát ở đây trắng, sạch và mịn, là bãi tắm rất tốt.

Cảng Vũng Rô

14. Vũng Rô

Vũng Rô nằm ở thôn Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam, cạnh quốc lộ 1A. Nhìn trên bản đồ Phú Yên, ở góc đông nam có một bán đảo hình dáng như đầu con chim với chiếc mỏ nhọn. Bán đảo ấy được hình thành bởi núi Vũng Rô làm cho bờ biển cao và dốc, gành đá ngổn ngang tạo ra nhiều mũi, phía đông có mũi Mao, mũi Ba, phía nam có mũi La. Các bán đảo này ôm lấy vũng Rô, tạo cho nơi đây một cảng biển tốt cho tàu, thuyền neo đậu, tránh bão, đánh bắt cá. Vũng Rô có 12 bãi nhỏ: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau và bãi Nhãn. Phía nam vũng Rô là hòn Nưa, cao 105 m, có hình dáng giống như cây trụ chia đôi cánh cửa vào vũng Rô. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Trụ tự.

Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 tàu không số từ miền Bắc chở vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến trường Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Vũng Rô đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

15. Ngôi nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh

Ngôi nhà này thuộc thôn Long Bình, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Tại đây, ngày 5-10-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Phú Yên đã được thành lập.

16. Nơi xảy ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh

Địa điểm này thuộc xã Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An). Tại đây, tháng 9-1954, địch đã gây ra vụ thảm sát làm 64 người chết và 76 người bị thương. Đây là một trong những vụ đàn áp và khủng bố điển hình sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết.

17. Đường số 5

Nay là đường tỉnh 645 từ thị trấn Phú Lâm đi Sông Hinh. Năm 1975, trong cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, lực lượng vũ trang Tuy Hoà đã biến cuộc rút lui của nguỵ thành cuộc tháo chạy tán loạn, góp phần giải phóng Phú Yên và hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với những chiến công đó, đường 5 được Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia.

 
     
Trang trước | Lên đầu trang | Trang sau