frameleft href
frameright
 

Một số danh nhân tiêu biểu

Chẳng thể phủ nhận tài thao lược, tài bài binh bố trận với những binh khí thô sơ của lớp cha ông đi trước. Một thời lịch sử hào hùng đã đi qua, nhưng những chiến công của họ mãi còn vang dội. Họ chiến thắng không phải vì được trang bị vũ khí hiện đại, cũng chẳng phải vì số đông quân lính. Họ chiến thắng bởi chính niềm tin, lòng quả cảm và khát khao tự do luôn cháy bỏng. Nhân dân Phú Yên mãi ghi công những người con anh hùng của dân tộc.

1. Lương Văn Chánh (? - ?)

Lương Văn Chánh là người có công khai mở đất Phú Yên. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên có ghi: "Chánh là bậc công thần thời quốc sơ khai khẩn đất hoang, mở mang biên cảnh, công lao rõ rệt, nhưng sự tích được biết tới muộn, nên không được chép trong sách Thực lục".

Tiếc rằng, năm sinh và năm mất của Lương Văn Chánh vẫn chưa được xác định. Chỉ biết quê ông ở làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Ông đã từng nắm giữ nhiều chức quan dưới triều đại phong kiến. Trong đó, dưới thời Lê Trung Hưng, ông giữ chức Đô Chỉ huy sứ trông coi Vệ Thiên Vũ, tước Phù Nghĩa Hầu.

Trong sự nghiệp mở rộng miền Thuận Quảng của chúa Nguyễn, ông là người góp công lớn. Vì thế, Lương Văn Chánh được đặc tiến chức Phụ quốc Thượng tướng quân và được giao điều hành huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nay thuộc tỉnh Bình Định.

Năm 1593, Trịnh Tùng phò vua Lê Thế Tông thu phục kinh đô Thăng Long. Lương Văn Chánh cùng Nguyễn Hoàng từ Thuận Hoá đem quân ra giúp Trịnh Tùng, lập được nhiều chiến công. Ông được phong đặc tiến Phụ quốc Đại tướng quân cai quản quân vụ 4 vệ Thần Vũ, tước Phù Nghĩa Hầu Trụ Quốc Trung Trật.

Năm 1597, Lương Văn Chánh được Nguyễn Hoàng giao nhiệm vụ đưa lưu dân vào khai khẩn vùng đất Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông. Như vậy, Lương Văn Chánh là người có công đưa lưu dân vào thiết lập làng xã trên vùng đất thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay.

Lương Văn Chánh mất tại ấp Hy Nguyên, làng Phụng Tường, nay thuộc xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà. Ngày mất của ông vào 19-9 hoặc 20-9 âm lịch, theo tục lệ Phú Yên ngày lễ giỗ sẽ được tổ chức vào ngày mất hoặc trước một ngày.

Ghi nhớ công lao của ông, năm 1689, Chúa Nguyễn Phước Trăn truy phong Lương Văn Chánh là "Tiền Trấn Biên quan Tham tướng phò Quận công Lương quý phủ Bảo quốc chi thần". Về sau, các chúa Nguyễn Phước Chu, Nguyễn Phước Khoát, Nguyễn Phước Thuần rồi đến các đời vua Nguyễn: Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân đều có sắc gia phong ông đến Thượng đẳng thần và chuẩn cho địa phương lập đền thờ cúng. Tất cả các đạo sắc hiện còn lưu giữ tại đền thờ ông tại Phụng Tường.

2. Đào Trí

Ông còn có tên gọi là Trung Hoà, người gốc Thanh Hoá, vào Nam tạo lập gia cư ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Sinh ra trong gia đình dân chài ở Vũng Lấm, ông bắt đầu sự nghiệp từ khi tham gia hàng ngũ lính tải lương cho triều đình. Với tài thao lược và mưu trí, nhiều lần bắt được bọn giặc Tàu Ô, bảo vệ tầu chở lương thực của triều đình, ông được vua Thiệu Trị phong chức Chánh quản cơ, rồi sau đó là chức Phó Chỉ huy Hải quân. Năm 1854, ông được tấn phong chức Đại tướng Hải quân, làm Khâm đại thần thống đốc Nam Trung quân vụ.

Năm 1856, liên quân Pháp và Bồ Đào Nha gồm 2.500 quân và 13 tàu chiến vào tấn công cửa Hàn (Đà Nẵng). Đào Trí đã tập hợp lực lượng, tổ chức đánh cho quân Pháp nhiều phen hoảng loạn. Vua Tự Đức phong cho ông là Hùng oai Tướng quân.

Ngoài tài đánh giặc, ông còn tham gia đề xuất nhiều chính sách trị nước, chống giặc, chấn chỉnh quân ngũ. Do đó, ông được giao chức Tả quân đô thống chưởng phó sứ kinh lược đại thần, kiêm Tổng đốc Nam - Ngãi - Bình - Phú.

Trong cuộc đời binh nghiệp và làm quan, Đào Trí đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng ông vẫn kiên định một lòng vì dân, vì nước. Ông có tư tưởng chống Pháp đến cùng, do đó vua Tự Đức phải triệu ông về triều, hạ chiếu "Cuộc chiến đã kết thúc và Đào khanh tuổi đã thất tuần nên Trẫm cho hồi hương đặng an hưởng tuổi già". Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại Vũng Lấm và mất tại đây, hưởng thọ 80 tuổi.

3. Thống chế Nguyễn Công Nhàn (1789 - 1872)

Nguyễn Công Nhàn sinh ngày 10-5-1789 tại xã Phú Lộc, tổng Thượng, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Phong Niên, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà). Ông làm quan dưới ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Năm 1841, Nguyễn Công Nhàn đem 3.000 quân tiến thẳng đến Lạc Hoá (Chân Lạp) cùng với Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Tri Phương phá tan giặc tại xứ Lạc Đô, phủ Lạc Hoá. Năm 1842, ông đánh dẹp quân Xiêm xâm lấn bờ cõi. Năm 1845, ông đem quân đánh phá đồn Thiết Thăng, thừa thắng kéo thẳng tới thành Nam Vang với khí thế sục sôi khiến cho quân giặc khiếp sợ.

Năm 1861, Trung tướng Charner một mặt sai Trung tá Bourdais đem tàu thuỷ đi đường sông tiến lên đánh các đồn, mặt khác sai Thiếu tướng Page đi đường bộ theo các cửa sông Mê Kông, hai mặt cùng đánh chiếm thành Mỹ Tho, nơi đô đốc Nguyễn Công Nhàn trấn giữ. Để đối phó với quân giặc, một mặt, ông cho gửi giấy qua Vĩnh Long xin tiếp viện, một mặt gửi thư cho quân Pháp. Pháp từ chối không trả lời, chúng điều thêm 2 chiếc thuyền đậu tại làng Tường Khánh. Để đối phó với quân địch, ông dự định dùng 4 chiếc thuyền chứa đầy thuốc súng thả trôi tới chỗ thuyền Pháp để phóng hoả, kết hợp với quân mai phục trên bờ bắn xuống. Dự định không thành, kế hoạch của ông bị thất bại.

Sau thất bại này, ông bị cách chức. Đến năm 1862, ông được phục chức. Ông mất ngày 3 tháng giêng năm 1872.

4. Lê Thành Phương (1825 - 1887)

Lê Thành Phương sinh tại làng Phú Mỹ, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Phú Mỹ, xã An Hiệp, huyện Tuy An). Ông thi đỗ tú tài nên thường gọi là Tú Phương.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông cùng một số sĩ phu yêu nước ở Phú Yên đứng lên tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa tại núi Một, thôn Tân An (nay thuộc xã An Hoà, huyện Tuy An). Trong hai năm 1885 - 1886, nghĩa quân của Lê Thành Phương đã đánh thắng nhiều trận, làm chủ một vùng rộng lớn từ Phú Yên đến Bình Thuận.

Lo ngại trước sự lớn mạnh của phong trào, đầu tháng 2-1887, thực dân Pháp điều động 1.500 lính viễn chinh Pháp và tay sai từ Nha Trang ra Phú Yên do tên Trần Bá Lộc cầm đầu. Sau nhiều cuộc giao tranh quyết liệt, để bảo toàn lực lượng, Lê Thành Phương quyết định cho nghĩa quân rút lên căn cứ Vân Hoà.

Ngày 11-2-1887, Lê Thành Phương bị giặc bắt. Chúng nhốt ông vào cũi và giao cho Trần Bá Lộc. Trần Bá Lộc dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông vẫn kiên định một lòng, ông từng nói "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục". Tức tối vì không thể mua chuộc, Trần Bá Lộc ra lệnh xử tử ông cùng một số nghĩa quân vào ngày 20-2-1887 (tức ngày 28 tháng giêng năm Đinh Hợi) tại bến đò Cây Dừa (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An).

5. Nguyễn Hào Sự (1840 - ?...)

Ông sinh năm 1840 tại làng Phú Xuân (nay thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) trong một gia đình khá giả nhất vùng. Cha mất sớm, mẹ đưa ông ra Bình Định ăn học. Chứng kiến cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn xâm lăng của giặc Pháp, ông bỏ học văn và chuyển sang ôn luyện võ thuật.

Thành tài, ông về quê mở trường dạy võ. Ông nổi tiếng với miếng võ "vượt trùng vây". Là người hay làm việc nghĩa, được dân chúng và chức sắc trong làng kính phục, ông được triều đình phong tước Cửu phẩm Bá hộ, nên ông còn có tên gọi "Bá Sự".

Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng một số sĩ phu như: Võ Thiệp, Đội Sơn, Xã Sằng chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa. Nguyễn Hào Sự xây dựng căn cứ và đem quân đóng ở núi Thạch Long Cương (Hòn Ông). Đó là dãy núi trùng điệp, nối liền với dãy La Hiên, địa thế hiểm trở. Tại dây, ông lo việc luyện tập binh sĩ, rèn đúc vũ khí.

Lúc bấy giờ, tên tay sai Trần Bá Lộc được cử ra Phú Yên để đánh dẹp phong trào Cần Vương. Trong tình thế đó, lần lượt các ông Bùi Giảng, Nguyễn Văn Thành đã ra đầu hàng, Lê Thành Phương bị giặc xử chém, song ông và các đồng sự vẫn dựa vào núi rừng hiểm trở để chống thực dân Pháp. Biết không thể khuất phục được ông, thực dân Pháp bèn bắt bớ dân làng và đe dọa giết người thân. Khi sức cùng lực kiệt, người thân cũng chẳng còn, ông ra nộp mình cho giặc để cứu dân.

6. Mạnh Thế Tuyển (1820 - 1873)

Ông là người xã Yên Thành, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Thạnh Đức, xã Thanh Quang, huyện Đồng Xuân). Năm 1850, ông thi đỗ cử nhân và làm quan đến chức Quản đạo Nghệ An.

Năm 1873, thực dân Pháp đánh vào Nghệ An. Ông dựa vào công sự và thành luỹ tổ chức, tập hợp nhân dân chống lại, song do binh khí và kỹ thuật còn hạn chế nên ông đã thất bại. Ông đã tuẫn tiết để giữ trọn khí tiết của người anh hùng.

7. Phan Lưu Thanh (1906 - 1983)

Ông sinh tại xã Xuân Long, tổng Xuân Phong, huyện Đồng Xuân. Năm 1929, ông học tại trường lái xe Sài Gòn. Tại đây, ông được giác ngộ cách mạng và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 5-10-1930, ông đã tổ chức hội nghị toàn thể đảng viên tại nhà riêng. Tại hội nghị, ông được tổ chức tín nhiệm trao cho trọng trách Bí thư chi bộ. Tháng 1-1931, Tỉnh uỷ Phú Yên được thành lập với ban lãnh đạo gồm 5 đồng chí do Phan Lưu Thanh làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm Bí thư chi bộ tại Bệnh viện Bạch Mai cho đến lúc nghỉ hưu.

8. Trần Hào (1913 - 1944)

Ông sinh ngày 16-6-1913, tại làng Nho Lâm, xã Hoà Quang, huyện Phú Hoà. Năm 1935, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6-1936, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên. Từ đó đến năm 1942, ông kinh qua nhiều chức vụ và tích cực hoạt động cách mạng.

Lo sợ trước uy tín của ông, thực dân Pháp đã tổ chức vây bắt ông và đưa về giam tại nhà lao Quy Nhơn. Gần một tháng bị tra tấn, đánh đập dã man, Trần Hào vẫn giữ vững khí tiết của một người cộng sản. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 22 giờ ngày 16-6-1944, lúc đó ông mới 31 tuổi.

9. Trần Suyền (1922 - 1998)

Ông là người thôn Phong Niên, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà. Ông là chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo luôn hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc. Ông đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Nông hội khu V, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, đại biểu Quốc hội khoá VII. Ông nghỉ hưu tháng 10-1995 và mất ngày 12-4-1998, thọ 76 tuổi.

Không màng danh lợi, không quỳ gối trước kẻ thù, chẳng sợ dáo mác, những tấm gương của những người con anh hùng đất Phú Yên mãi còn lưu danh sử sách, đại diện cho "tâm - trí - dũng" của vùng đất Phú Yên quật cường.

 
     
Trang trước | Lên đầu trang | Trang sau