frameleft href
frameright
 

Lịch sử hình thành vùng đất Phú Yên

Không có bề dày lịch sử nghìn năm như Thăng Long - Hà Nội hay nhiều tỉnh, thành phố phía bắc Tổ quốc, song với tuổi đời gần 500 năm, Phú Yên đã chứng kiến sự thịnh, suy của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại ghi dấu những đổi thay to lớn của mảnh đất và con người nơi đây. Ngược dòng thời gian, tìm về thủa đầu lập đất, lập làng, xưng danh của vùng eo này, có lẽ không chỉ là ý nguyện của riêng người dân Phú Yên mà còn của nhiều độc giả trong và ngoài nước.

1. Dưới con mắt của các nhà khoa học

Theo các sử gia triều Nguyễn, Phú Yên là vùng đất bán sơn địa với địa hình phức tạp: phía đông giáp biển Đồng; phía tây dựa vào núi; phía bắc giáp tỉnh Bình Định (đèo Cù Mông hiểm trở); phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa (đèo Đại Lĩnh cao, dốc). Núi cao có Đại Lĩnh và Thạch Bi, sông lớn có Đà Diễn. ở thượng du, các đồn thủ Thạch Lĩnh và Phước Sơn có nhiệm vụ giữ vững biên phòng, ven biển có các trấn Xuân Đài, Phú Sơn, Đà Nông và Đà Diễn trấn mặt biển. Địa thế tuy nhỏ nhưng dân cư đông đúc, nên Phú Yên trở thành một trong những vùng đất quan trọng.

Theo các nhà địa lý, Phú Yên thuộc vùng Nam Trung Bộ, được cấu tạo chủ yếu bởi sườn phía đông dãy Trường Sơn, có đồng bằng nhỏ hẹp, bờ biển bị chia cắt thành nhiều đầm, vịnh. Mặc dù bị núi cao bao bọc cả ba mặt bắc, tây và nam, Phú Yên vẫn có những vùng đồng bằng màu mỡ mà lớn nhất là đồng bằng Tuy An ở phía bắc và đồng bằng Tuy Hòa ở phía nam do sông Đà Rằng (sông Ba) bồi đắp. Ngoài vùng đồng bằng, dải đất duyên hải Phú Yên còn có nhiều cồn cát trắng bao bọc một số đầm lớn như đầm Ô Loan.

Sự màu mỡ của đất đai đã tạo nên sức hút đối với các cộng đồng cư dân. Qua các di chỉ khảo cổ và nhiều hiện vật có giá trị từ thời tiền sử đang lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên cho thấy, những cư dân đầu tiên đến cư trú, lập nghiệp trên đất này từ rất sớm. Trong đó có những di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh - một trong những nền văn hóa tiêu biểu của khu vực Đông Nam á - như di chỉ mộ táng (những chiếc chum bằng gốm) được phát hiện năm 1988 ở Hòa Quang (huyện Phú Hòa cũ), Hòa Hiệp Nam (huyện Tuy Hòa); 168 hiện vật gồm Hòn Ghè, Hòn Kê, bàn mài,... và rất nhiều đồ đá, đồ gốm (9.165 mảnh) được phát hiện ở Gò ốc và Cồn Đình (huyện Sông Cầu). Đồ gốm ở đây mang đậm những nét đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh với hình trang trí là các loại hoa văn khắc vạch, vặn thừng, văn ấn que nhiều răng, văn in mép vỏ sò. Một số mảnh được tô màu đen ánh chì. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều hiện vật của nền văn hoá Chăm mà đặc biệt là bộ đàn đá cổ, bao gồm 8 thanh được phát hiện ở huyện Tuy An cùng với các nhạc cụ thổi bằng đá rất có giá trị.

Bộ đàn đá Tuy An

2. Phú Yên qua các thời kỳ lịch sử

2.1. Thời thuộc Tần:

Năm Đinh Hợi (năm 214 trước Công nguyên), dưới thời thuộc Tần, đất Bách Việt và Âu Lạc được chia làm 3 quận. Trong đó, Phú Yên thuộc quận Tượng Quận. Khi ấy, tại vùng đất này, dân cư thưa thớt, các bộ lạc quần cư ở ven biển, ven sông, chủ yếu sống bằng nghề chài lưới.

2.2. Thời thuộc Hán:

Năm Canh Ngọ (năm thứ 3 trước Công nguyên), dưới thời vua Hán Vũ Đế, đất Nam Việt đổi tên thành bộ Giao Chỉ, chia làm 7 quận. Trong đó có quận Nhật Nam gồm 5 huyện. Phú Yên khi ấy thuộc huyện Tượng Lâm nằm phía nam quận Nhật Nam.

2.3. Thời Hậu Lê:

Tháng sáu năm Tân Mão (năm 1471), vua Lê Thánh Tông tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương nam cho quân vượt qua đèo Cù Mông đến Đèo Cả và khắc bia trên núi Đá Bia, xác định cương vực biên giới Đại Việt.

2.4. Thời chúa Nguyễn:

Năm Mậu Dần (năm 1578), theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương nam, thu nhận phần đất Phú Yên. Đến năm 1597, những lưu dân do Lương Văn Chánh chiêu mộ đã đến khẩn hoang lập nghiệp trên vùng đất Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn.

Năm 1611, vùng đất do Lương Văn Chánh khẩn hoang chính thức được đặt tên là Phú Yên. Danh xưng Phú Yên chính thức có từ đó với cấp hành chính là Phủ trong tổ chức chính quyền bấy giờ. Theo giáo sư Trần Văn Giàu, Phú Yên nghĩa là yên định - Phú cường, đó cũng là ước nguyện của tiền nhân khi đặt tên cho vùng đất này.

Sau khi Lương Văn Chánh mất, Nguyễn Hoàng cử Chủ sự Văn Phong vào trông coi vùng đất này. Năm 1692, Văn Phong làm phản, chúa Nguyễn sai Nguyễn Phúc Vinh vào đánh dẹp, rồi đổi thành dinh Trấn Biên, Nguyễn Phúc Vinh được cử làm Trấn thủ. 18 năm sau, Phú Yên được nâng lên cấp dinh - cấp hành chính địa phương cao nhất nước.

Năm 1744, Võ vương Nguyễn Phước Khoát chia cả cõi thành 12 dinh. Dinh Trấn Biên đổi thành dinh Phú Yên.

2.5. Thời nhà Nguyễn đến trước khi thực dân Pháp xâm lược:

Dưới triều Nguyễn, Phú Yên đã diễn ra nhiều thay đổi về hành chính. Trong giai đoạn 1799 - 1808, vùng đất này được gọi là dinh Phú Yên. Đến năm 1808, vua Gia Long đổi thành trấn Phú Yên. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi thành phủ Tuy An thuộc trấn Bình Định. Một năm sau (năm 1832), vua Minh Mạng chia lại các đơn vị hành chính trong cả nước, phủ Tuy An được thăng thành tỉnh Phú Yên. Đến năm 1853, vua Tự Đức lại đổi tỉnh Phú Yên thành đạo Phú Yên. Hai mươi ba năm sau (năm 1876), vua Tự Đức lại nâng đạo Phú Yên thành tỉnh Phú Yên.

2.6. Thời thuộc Pháp (1885 - 1945):

Năm 1899, tỉnh lỵ Phú Yên chuyển về Sông Cầu. Trong giai đoạn này, tỉnh Phú Yên gồm 2 phủ và 2 huyện. Trong đó, 2 phủ là Tuy An và Tuy Hoà, 2 huyện là Đồng Xuân và Sơn Hoà. Phủ Tuy An gồm 5 tổng: An Sơn, An Hải, An Vinh, An Đức và An Phú. Phủ Tuy Hòa gồm 6 tổng: Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Lộc và Hòa Tường. Huyện Đồng Xuân gồm 3 tổng: Xuân Đài, Xuân Bình và Xuân Phong. Huyện Sơn Hòa gồm 4 tổng: Sơn Lạc, Sơn Xuân, Sơn Tường và Sơn Bình.

2.7. Giai đoạn 1945 - 1975:

Giữa năm 1946, tỉnh Phú Yên thực hiện chủ trương của Uỷ ban hành chính Trung Bộ, chấn chỉnh lại các cấp hành chính, chuyển cấp thôn thành cấp xã (84 xã). Tháng 11-1946, tỉnh Phú Yên chia làm 6 chiến khu, giữa năm 1947, tỉnh Phú Yên thành lập cấp huyện thay cho chiến khu.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, Phú Yên thuộc vùng kiểm soát của nguỵ quyền Sài Gòn, bãi bỏ chế độ uỷ ban, thay thế bằng bộ máy hành chính quốc gia, đứng đầu là tỉnh trưởng, các tên huyện được đổi thành quận. Lúc này, Phú Yên có thêm quận Sông Cầu, quận Phú Đức, quận Sơn Hoà, quận Hiếu Xương. Tháng 9-1962, ba quận Phú Đức, Sơn Hoà, Đồng Xuân cắt về tỉnh Phú Bổn (một tỉnh ở vùng Cao Nguyên mới được thành lập).

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 3-11-1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hoà thành tỉnh Phú Khánh.

2.8. Giai đoạn 1975 - 2005:

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá VII (kỳ họp thứ V) ngày 30-6-1989, tỉnh Phú Khánh tách thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà. Ngày 1-7-1989, tỉnh Phú Yên được tái lập. Qua những lần thay đổi địa giới hành chính và thiết lập các đơn vị hành chính mới, từ năm 2005, tỉnh Phú Yên có 8 huyện, 01 thành phố.

Lịch sử là dòng chảy bất tận, những tinh hoa của quá khứ còn lắng đọng cho hậu thế. Cùng với thời gian, Phú Yên hiển hiện là vùng đất có lịch sử khá lâu đời và ẩn chứa những nét văn hóa đa dạng, độc đáo. Đây sẽ là điểm tựa quan trọng để Phú Yên hôm nay tiếp nối những truyền thống hào hùng viết nên những thành công mới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh Phú Yên có từ bao giờ?

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau khi bàn luận về năm thành lập chính thức của tỉnh Phú Yên. Trong đó có 3 luồng ý kiến: Thứ nhất, một số nhà nghiên cứu lịch sử lấy năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông thực hiện công cuộc khẩn hoang về phương nam. Thứ hai, lấy năm 1578 khi chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh chiêu mộ lưu dân vào khẩn hoang, lập nghiệp ở đất Phú Yên. Thứ ba, lấy năm 1611 khi Chủ sự Văn Phong lập phủ Phú Yên.

Theo Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, nên lấy năm 1611 khi phủ Phú Yên được thành lập và chính thức đặt trấn thủ ở đây. Bởi theo chính sử, năm 1471, vua Lê Thánh Tông thực hiện công cuộc khẩn hoang về phương nam mới lập đạo Quảng Nam gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi và một phần Bình Định bây giờ chứ chưa hề đến Phú Yên. Còn thời điểm năm 1578, nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất quan điểm: cuộc khai hoang lập ấp dù đạt quy mô đến đâu vẫn chưa thể chứng tỏ vùng đất mới khẩn hoang đã thiết lập được hệ thống hành chính cai quản chính thức. Lương Văn Chánh chỉ đưa lưu dân vào khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài và dọc sông Đà Diễn (Đà Rằng), chứ chưa thiết lập hệ thống hành chính cai quản chính thức. Do đó, quan điểm lấy năm 1578 cũng không có tính thuyết phục để lựa chọn làm thời điểm ra đời của Phú Yên. Vì thế, năm 1611, khi chúa Nguyễn Hoàng phái Chủ sự Văn Phong lập 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam, miền đất giữa Cù Mông và Đèo Cả đã được khẩn hoang khá rộng, xóm ấp đã hình thành, thì vùng đất Phú Yên ngày nay mới được thành lập. Cũng từ thời điểm này, chính quyền Đàng Trong mới thực sự cai quản và khai khẩn vùng đất này với quy mô lớn.

Với những chứng cứ lịch sử cụ thể và thuyết phục, các nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất quan điểm lấy mốc lịch sử năm 1611 là năm ra đời của Phú Yên với tư cách là đơn vị hành chính. Theo đó, đến năm 2006, Phú Yên sẽ tổ chức ngày thành lập lần thứ 395. Sự kiện này vừa thể hiện niềm tự hào của lớp lớp thế hệ người dân Phú Yên, vừa để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân và mỗi người con trên mảnh đất này.

 
     
Trang trước | Lên đầu trang | Trang sau