Previous Index Next Home


CHƯƠNG 5PHONG TRÀO CÔNG NHÂN CHÂU ÂU NỬA ÐẦU THẾ K XIXSỰ RA ÐỜI  CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KHOA HỌC

BÀI 8:   PHONG TRÀO CÔNG NHÂN CHÂU ÂU NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX

  1. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CNTB GIỮA THẾ KỶ XIX

  2. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN

  3. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG TƯỞNG

BÀI 9:   SỰ RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA CÔNG SẢN KHOA HỌC

  1. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KHOA HỌC

  2. HOẠT ĐỘNG CỦA MARX VÀ ENGELS

  3. TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CÔNG SẢN

BÀI 10:   QUỐC TẾ THỨ NHẤT (1864-1876)

  1. HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ VIỆC THÀNH LẬP

  2. HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC TẾ


Từ khóa: tự phát, tự giác, lực lượng xã hội độc lập, chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội khoa học.

Mục đích: Chương này gồm các bài         8, 9,10 .

Trình bày sự phát triển của phong trào công nhân từ khi mới ra đời đến việc thành lập tổ chức Quốc tế đầu tiên của giai cấp công nhân. Thông qua các bài, giáo viên giúp sinh viên hiểu rõ từng bước phát triển của phong trào công nhân, đồng thòi giúp cho sinh viên thấy vai trò của Mác- Ănghen trong việc sáng lập ra học thuyết CNXHKH, cũng như vai trò và hoạt động của hai ông trong phong trào công nhân.

Yêu cầu: Sinh viên cần nắm những nội dung sau:

-Các phong trào tự phát của công nhân trong buổi đầu.

-Ðặc điểm của phong trào công nhân trong những năm 30-40 của thế kỉ XIX .

-Nội dung CNXH không tưởng.

-Nội dung và tư tưởng cơ bản của Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng sản.

- Hòan cảnh ra đời và hoạt động của Quốc tế thứ nhất.

Bài 8:  PHONG TRÀO CÔNG NHÂN CHÂU ÂU NỬA ĐẦU THẾ KỲ XIX
I. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN GIỮA THẾ KỶ XIX

TOP

Giữa thế kỷ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có những bước tiến quan trọng. Thời kỳ này cách mạng công nghiệp lan khắp châu Âu: Anh đã hòan thành cách mạng công nghiệp. Pháp và Mỹ đang tiến hành.

1. Nước Anh.

Anh đứng đầu trong nền kinh tế thế giới. Anh hoàn thành cách mạng công nghiệp vào những năm 1840. Cuối thế kỷ XIX, máy móc chiếm ưu thế trong sản xuất; ngành dệt bông được cơ khí hóa rất sớm. Việc cơ khí hóa sản xuất làm cho sản xuất công nghiệp tăng lên nhanh chóng. Các ngành luyện kim và cơ khí phát triển mạnh nhằm trang bị kỹ thuật toàn bộ cho công nghiệp.

Năm 1810, sản lượng gang của Anh là 225.000 tấn, năm 1850 con số đó là 2.250.000 tấn. Hệ thống đường sắt phát triển mạnh: từ 2.000km tăng lên 10.000km trong thời gian từ 1840 đến 1850. Sự phát triển của đường sắt thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước và tăng cường sự liên hệ giữa các trung tâm công nghiệp.

Ngành hàng hải cũng có những biến đổi quan trọng nhờ việc ứng dụng máy hơi nước: nhiều công ty hàng hải lớn được thành lập. Sự phát triển của giao thông vận tải ảnh hưởng đến ngoại thương: số lượng hàng xuất khẩu ngày càng nhiều.

Sự phát triển công nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp. Máy móc và phương pháp canh tác mới được sử dụng trong nông thôn, do đó năng suất nông nghiệp tăng cao. Anh là một nước có trình độ nông nghiệp tiên tiến thời bấy giờ.

Tóm lại, cách mạng công nghiệp đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của nước Anh, đưa Anh lên địa vị hàng đầu của thế giới.

2. Nước Pháp.

Pháp có nền kinh tế kém phát triển hơn Anh, nhưng mạnh hơn so với các nước Châu Âu lúc bấy giờ.

Cách mạng công nghiệp đang trên đà phát triển, hoàn thành vào những năm 60. Việc sử dụng máy móc ngày càng rộng rãi trong các ngành công nghiệp nhẹ và nặng.

Năm 1830: Pháp có 616 máy hơi nước.

Năm 1847: tăng lên 4.853 cái.

Sản lượng công nghiệp các ngành cũng tăng lên rõ rệt. Công nghiệp dệt, đặc biệt là dệt bông phát triển khá nhanh, sản lượng tăng gấp đôi từ 1816-1830. Năm 1832, Pháp sản xuất 225.000 tấn gang và 148.000 tấn sắt.

Năm 1846, số gang tăng lên 586.000 tấn và sắt tăng 373.000 tấn.

Trong nền kinh tế Pháp, hệ thống tín dụng phát triển khá mạnh, đây là một đặc điểm quan trọng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Pháp.

Tuy có những bước phát triển đáng kể, nhưng nhìn chung, tốc độ phát triển của công nghiệp còn chậm chạp, qui mô nhỏ bé vì sự tồn tại của chế độ tiểu nông làm cho thị trường trong nước bị thu hẹp, nguồn công nhân hạn chế, nguyên liệu ít ỏi. Sự thống trị của Louis Philippe cũng là một trở ngại vì tư sản tài chính chỉ làm giàu bằng con đường cho vay chứ  không phát triển sản xuất.

3. Nước Ðức.

Kinh tế Ðức tuy phát triển kém hơn Anh, Pháp, nhưng vượt xa các nước Châu Âu nửa phong kiến lúc bấy giờ.

Quan hệ tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh ở vùng sông Rhin, Westphalie. Berlin trở thành trung tâm công thương nghiệp của Ðức, tập trung 1/3 sản xuất cơ khí và vải của cả nước. Trong công nghiệp Ðức, công trường thủ công là hình thức sản xuất phổ biến. Cách mạng công nghiệp ở Ðức bắt đầu vào năm 40 của thế kỷ XIX. Năm 1822 cả nước Ðức chỉ có vài máy hơi nước. Năm 1837, riêng Phổ có trên 300 máy hơi nước. Công nghiệp dệt và khai khoáng phát triển mạnh. Nền sản xuất tư bản đạt nhiều thành tựu đáng kể,  ngày càng tỏ ra mâu thuẫn với chế độ phong kiến.

Như vậy, trong khoảng từ 1815-1848 cách mạng công nghiệp tiếp tục phát triển ở các nước, thúc đẩy nền kinh tế ở các nước này phát triển lên một bước. Ở các nước chưa tiến hành cách mạng tư sản, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng có những bước phát triển đáng kể. Nó đã tạo ra một nguồn của cải vật chất phong phú cho chủ nghĩa tư bản. Sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội. Bên cạnh mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến, xuất hiện mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Ðây là một trong những vấn đề trung tâm của tình hình xã hội các nước thời bấy giờ.

II. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN

TOP

1. Những cuộc đấu tranh tự phát đầu tiên cho đến năm 1830.

1.1. Ở Anh.

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Anh nảy sinh sớm nhất vào năm 60 của thế kỷ XVIII (1760). Ngay trong những cuộc đấu tranh đầu tiên hiện tượng đập phá máy móc xuất hiện. Phong trào phát triển mạnh nhất vào năm 1807, 1808, 1811, 1812 với một cao trào gọi là Ludded. Cao trào này phản đối việc sử dụng máy dệt bằng hơi nước, nhưng bị chính quyền ra sắc lệnh xử tử những người đập phá máy móc.

Sau năm 1815, do khuynh hướng phản động của chính quyền nên những cuộc đình công đòi phổ thông đầu phiếu và cải thiện đời sống lại bùng lên sôi nổi và trở nên quyết liệt vào 1819. Phong trào đập phá máy móc  lại nổ ra mạnh hơn trước: năm 1822, 1823 công nhân lại nổi dậy đập phá máy móc, thiêu hủy những trang viên của địa chủ, đốt nhà người giàu, những cơ quan của chính quyền.

1.2. Ở Pháp:

Phong trào công nhân Pháp phát triển muộn hơn ở Anh, bắt đầu nảy sinh từ những năm đầu thế kỷ XIX, bằng việc lập những hội tương tế, nhưng những hội này ngày càng thiếu tính chất giai cấp. Phong trào đập phá máy móc nổ ra và phát triển mạnh ở Pháp vào những năm 20 của thế kỷ XIX.

1.3. Ở Ðức:

Phong trào công nhân Ðức phát triển muộn hơn ở Anh và Pháp. Nó diễn ra vào những năm 30 của thế kỷ XIX ở hai vùng công nghiệp quan trọng là Rhin và Saxe, giai cấp vô sản Ðức đấu tranh đòi cấm sử dụng máy móc, họ còn đập phá xí nghiệp.

Thông qua những phong trào này, giai cấp vô sản ở các nước được tôi luyện và thu được những kinh nghiệm đấu tranh, thúc đẩy họ ngày càng trưởng thành, đưa phong trào phát triển lên một bước.

2. Phong trào công nhân trong những năm 30- 40 của thế kỷ XIX

Từ những năm 30 trở đi, ý thức chính trị của giai cấp công nhân tuy còn mơ hồ nhưng đã tiến bộ hơn trước, hiện tượng đập phá máy móc không còn nữa. Những yêu sách về kinh tế, chính trị bắt đầu được đưa ra trong các cuộc đấu tranh như những mục tiêu chiến đấu chủ yếu của giai cấp vô sản. Họ đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách một lực lượng xã hội độc lập.

2.1. Ở Pháp:

Khởi nghĩa của thợ tơ Lyon năm1831 và 1834 là cuộc khởi nghĩa lớn của công nhân Pháp thời  kỳ này. Công nhân ở Lyon đã đứng lên biểu tình để  phản đối việc chủ không chịu tăng lương. Chính quyền phái quân đội đến đàn áp, nhưng họ vẫn kiên quyết đấu tranh với khẩu hiệu Sống trong lao động hay chết trong chiến đấu. Sau 3 ngày đấu tranh, công nhân đã đuổi được quân chính phủ là làm chủ thành phố, nhưng bọn tiểu chủ đã ngăn cản việc tổ chức chính quyền của giai cấp công nhân, vì thế quân đội được phái từ Paris về đàn áp phong trào.

Cũng tại  Lyon, năm 1834 đã nổ ra một  cuột  khởi nghĩa khác, công nhân phản  kháng đạo luật  cấm lập nhóm một  cánh khắt khe (ngay cả những tổ chức dưới  20 người  cũng bị  cấm .) Nghiã quân đã ra một bản tuyên bố trong đó có câu: Mục đích chiến đấu của chúng tôi cũng là của toàn thể nhân loại, là hạnh phúc của chúng tôi, là một tương lai có bảo đảm. Những khẩu hiệu mà giai cấp công nhân nêu ra trong quá trình khởi nghĩa đã mang tính chất chính trị rõ ràng: họ đòi thiết lập chế độ cộng hòa, nhưng lần này chính phủ đã chuẩn bị chu đáo nên khởi nghĩa của công nhân bị quân đội đàn áp sau bốn ngày chiến đấu anh dũng.

Các cuộc khởi nghĩa này đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân Pháp: lần đầu tiên họ bước lên vũ đài chính trị với tư thế là một lực lượng chính trị độc lập.

2.2. Ở Anh:

Phong trào đấu tranh của công nhân Anh thể hiện ở phong trào Hiến chương. Giai cấp vô sản Anh ủng hộ giai cấp tư sản trong cải cách tuyển cử 1832, nhưng kết quả là họ không được chút quyền chính trị  gì.  Vì thế, yêu cầu của công nhân là đòi quyền chính trị ở nghị viện.

+ Lãnh đạo phong trào là một tổ chức mang tên Hội công nhân Luân đôn thành lập năm 1836 do Lowett đứng đầu. Hội đã thảo ra một yêu sách gồm sáu điểm trình lên nghị viện:

- Thực hiện phổ thông đầu phiếu đối với nam giới từ 21 tuổi trở lên.

- Phân chia khu vực tuyển cử.

- Xóa bỏ mọi hình thức thuế với điều kiện nghị viện.

- Trả lương cho nghị viên

- Tuyển cử hàng năm vào Quốc Hội.

- Bỏ phiếu kín.

Ðây là một cương lĩnh mang tính dân chủ của công nhân, nó trở thành cương lĩnh hành động của phong trào.

+ Diễn biến: phong trào trải qua ba cao trào với ba cuộc biểu tình ủng hộ cho các bản kiến nghị:

- Cao trào lần I: diễn ra năm 1839, thu được trên 1 triệu chữ ký của công nhân.

- Cao trào lần II: diễn ra năm 1842, thu trên 3 triệu chữ ký.

- Cao trào lần III: diễn ra năm 1848 với trên 5 triệu chữ ký.

+ Nguyên nhân thất bại: do tư tưởng hòa bình của Lowett, họ chủ trưởng thỏa hiệp với giai cấp tư sản, cho rằng  bất đắc dĩ mới dùng đến biện pháp cách mạng, vì vậy họ không dám phát động phong trào đấu tranh của quần chúng để chống đối giai cấp tư sản khi chúng từ chối không chấp nhận các yêu cầu của công nhân.

+ Phong trào tuy thất bại nhưng có một ý nghĩa lịch sử rất lớn, nó là một phong trào mang tính chất quần chúng rộng rãi với một qui mô đấu tranh lớn.

2.3. Ở Ðức:

Khởi nghĩa của công nhân Ðức nổ ra vào 1844 ở Silésie. Công nhân đòi tăng lương, phá hủy nhà cửa của tư sản. Chính quyền địa phương cho quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa. Trong cuộc đàn áp này có nhiều chết và bị thương.

Marx đánh giá cao cuộc khởi nghĩa của những người thợ dệt Silésie, xem đó là một hiện tượng có ý nghĩa chính trị lớn lao, mở đầu cho phong trào công nhân có tính chất quần chúng, chứ không phải là "một cuộc khởi nghĩa vì đói" như tư sản cố tình xuyên tạc.

Các phong trào công nhân trong những năm 30-40 của thế kỷ XIX ở Anh, Pháp, Ðức có những đặc điểm chung:

+ Những khẩu hiệu chính trị đã được nêu lên bên cạnh những khẩu hiệu về kinh tế.

+ Phong trào mang tính chất quần chúng rộng rãi.

+ Qui mô đấu tranh ngày càng lớn.

Những đặc điểm này chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ở các nước đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Tuy nhiên, sự thất bại của phong trào đã chứng tỏ rằng giai cấp vô sản chưa được giác ngộ đầy đủ; tổ chức chưa chặt chẽ, không được hướng dẫn bằng một lý luận cách mạng khoa học.

?- Những điều gì chứng tỏ trong những năm 30-40 của thế kỉ XIX giai cấp vô sản châu Âu đã trở hành một lực lượng xã hội độc lập ?

III. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG TƯỞNG

TOP

1. Hoàn cảnh ra đời.

Vào những năm đầu thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản được xác lập thì giai cấp công nhân tiếp tục sống một cuộc sống khổ sở do sự bóc lột của giai cấp tư sản. Tình hình này làm cho nhiều nhà tư tưởng tiến bộ xúc động: xã hội mà họ nhìn thấy là một xã hội lừa đảo, bóc lột... không đem lại hạnh phúc, bình đẳng như cương lĩnh mà giai cấp tư sản đề ra trong các cuộc cách mạng tư sản. Do đó, một số nhà tư tưởng tiến bộ đã xây dựng những lí thuyết về một xã hội mới, trong đó không có bất công và nghèo nàn...Chế độ xã hội mà họ đề ra đó là chủ nghĩa xã hội không tưởng.

2. Nội dung.

Các nhà xã hội học không tưởng đã nghiêm khắc lên án chế độ tư bản chủ nghĩa, vạch ra tính chất phản động của giai cấp tư sản và những bất công trong xã hội. Họ đã nêu lên những quan điểm về một xã hội mới và kế hoạch để xây dựng xã hội ấy nhưng đó chỉ là những dự án không thể thực hiện được vì họ không hiểu rõ bảïn chất của qui luật xã hội. Việc làm của họ mang tính chất không tưởng.

3. Các đại biểu tiêu biểu.

3 1.  Saint Simon (1760 - 1825)

Xuất thân trong một gia đình quí tộc, đã tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ. Quan điểm của Saint Simon được trình bày trong tác phẩm Những bức thư từ Genève" và một số tác phẩm khác. Theo ông, lịch sử loài người là một sự tiến hóa không ngừng, chế độ sau tiến bộ hơn chế độ trước, nhưng động lực của sự phát triển là ý thức của con người. Ông công kích kịch liệt chủ nghĩa tư bản; kêu gọi mọi người hướng về một tương lai tốt đẹp, thủ tiêu chế độ ăn bám và xã hội được cải tạo theo hướng xã hội chủ nghĩa. Ông chủ trương xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người phải lao động trên cơ sở của nền sản xuất lớn, được quyền hưởng thụ bình đẳng, nền kinh tế được kế hoạch hóa. Bất cứ ở đâu và lúc nào, ông cũng hết lòng quan tâm đến số phận của giai cấp vô sản. Tuy nhiên, ông không thấy được mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản là mâu thuẫn đối kháng, ông không tán thành những biện pháp đấu tranh cách mạng mà chỉ chủ trương thuyết phục và giáo dục những người có của để họ giúp ông thực hiện kế hoạch của mình nhưng giai cấp tư sản không đoái hoài đến những dự thảo kế hoạch mà ông gửi đến.

3.2. Charles Phourrier (1772 - 1837).

Ông xuất thân từ một gia đình thương nhân, khi còn nhỏ ông đã phải giúp việc bán hàng và sớm nhận thấy những mánh khóe xảo quyệt của giai cấp tư sản.

Fourrier đã lên án những thương nhân dùng các thủ đoạn gian xảo để đầu cơ trục lợi. Ông đả kích sự cạnh tranh và sản xuất không kế hoạch, vô tổ chức của chủ nghĩa tư bản. Ông chỉ ra rằng trong xã hội tư sản, sự thừa thãi ở cực này là do sự nghèo đói ở cực kia.

Ông dự định xây dựng một xã hội mới dựa trên cơ sở những Phalange. Trong mỗi Phalange có nhiều ngành sản xuất kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp. Trong các Phalange, lao động sẽ là niềm vui, phụ nữ được bình đẳng với nam giới, trẻ em được giáo dục tập thể, có khả năng lao động chân tay và trí óc... Của cải trong Phalange sẽ chia theo lao động và tài năng. Cũng như Saint Simon, Fourrier không chủ trương đấu tranh giai cấp, chỉ hy voûng bọn nhà giàu được tuyên truyền, thuyết phục thì sẽ thực hiện kế hoạch của ông, tất nhiên là không ai đáp lại lòng mong đợi của ông.

3.3. Robert Owen (1771-1858).

Ông là con của một người thợ thủ công. Năm 16 tuổi, ông làm việc trong một cửa hiệu London, sau làm quản lý một xưởng trên 2.000 công nhân.

Ông đã thí nghiệm xây dựng một xã hội mới trong xưởng riêng của mình ở Scotland bằng những biện pháp như: hạn chế ngày lao động, thủ tiêu chế độ phạt tiền, đặt ra chế độ tiền thưởng, xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân.

Ông chủ trương xây dựng công xã trong đó tài sản là của chung, xóa bỏ sự nghèo khổ, lao động trở thành nghĩa vụ và hạnh phúc của mọi người.

Ðiều làm cho Owen trở nên vĩ đại là ông đã phát hiện ra những ung nhọt của xã hội tư sản, ở lòng thương xót sâu sắc của ông đối với những đau khổ của nhân dân. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ giải phóng loài người ra khỏi những đau khổ của họ, nhưng ông cũng vấp phải những nhược điểm là phản đối việc sử dụng bạo lực cách mạng và không dựa vào lực lượng của giai cấp công nhân....

Những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng là những con người vĩ đại. Họ phê phán sắc sảo, vạch ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, đả kích tận gốc xã hội; lúc nào họ cũng nghiêng về những người nghèo khổ. Họ có một dự đoán thiên tài về xã hội tương lai, nhưng họ không thấy ở giai cấp vô sản một sức mạnh cải tạo xã hội, chỉ chủ trương cải cách bằng du nhập dần chủ nghĩa xã hội vào chủ nghĩa tư bản; đó là mặt hạn chế của họ.

?- Nội dung của CNXHKT ?  - Những ưu điểm và hạn chế của CNXHKT?

Bài  9SỰ RA ÐỜI CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KHOA HỌC
I. HOÀN CẢNH RA ÐỜI CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KHOA HỌC

TOP

1. Nhìn lại sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và phong trào công nhân đến những năm 40 của thế kỷ XIX.

1.1. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản:

Từ những năm 30 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã được xác lập ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Lực lượng sản xuất TBCN phát triển ngày càng mạnh và đạt đến một trình độ khá cao. Cách mạng công nghiệp đang tiến hành ở một số nước, có nơi đã hoàn thành như ở Anh. Nhìn chung, đến khoảng giữa thế kỷ XIX, sự phát triển của nền công nghiệp lớn TBCN là một nét nổi bật trong tình hình kinh tế của các nước châu Âu.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho tình hình xã hội biến đổi sâu sắc: ở những nước đã làm cách mạng tư sản như Anh, Pháp; chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào mọi mặt của đời sống xã hội; nông dân sản xuất nhỏ bị phá sản, thợ thủ công bị đe dọa. Những công xưởng lớn xuất hiện đưa đến tình trạng tập trung công nhân, dân số thành thị tăng lên nhanh chóng. Sự phát triển của giao thông dẫn đến sự nối liền các trung tâm công nghiệp, xóa bỏ sự ngăn cách giữa các vùng với nhau. Tuy nhiên, khi chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì sự tương phản giữa cái giàu và cái nghèo rõ rệt: sự bóc lột của giai cấp tư sản đã đưa tình cảnh của giai cấp công nhân ở các nước đến chỗ thật là bi đát. Ðối với một số nước chưa hoàn thành cách mạng tư sản,nghĩa là còn ở tình trạng nửa phong kiến, giai cấp tư sản mong muốn phát triển, ý thức dân tộc nảy nở, phong trào dân tộc dân chủ bát đầu xuất hiện. 

1.2. Phong trào công nhân.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã gây ra cho giai cấp vô sản những nỗi đau khổ ghê gớm và giai cấp công nhân đã dũng cảm đứng lên để tự giải phóng. Những hình thức phản kháng đầu tiên là phong trào đập phá máy móc của công nhân, nhưng đó chỉ là một phong trào tự phát, những hoạt động như vậy không thể đưa những người lao động đến thắng lợi được. Qua quá trình đấu tranh, giai cấp công nhân dần dần có ý thức và tổ chức hơn, họ tiến hành những cuộc đấu tranh có qui mô lớn hơn, chống lại toàn bộ giai cấp tư sản; đòi hỏi không những quyền lợi về kinh tế mà cả những quyền lợi về chính trị nữa. Những cuộc đấu tranh ở Lyon 1831-1834, ở Anh từ 1836-1848, ở Ðức 1848 đã phản ánh tình hình trên; nó đánh dấu thời kỳ đấu tranh độc lập của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, cuối cùng, các phong trào đều thất baị, qua đó bộc lộ những nhược điểm: chưa có một đường lối đấu tranh khoa học và chính xác, chưa có một tổ chức lãnh đạo của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa xã hội không tưởng càng bộc lộ những nhược điểm của nó, là một trở ngại đối với việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của giai cấp công nhân. Cuộc đấu tranh cách mạng buộc giai cấp vô sản phải đề ra nhiệm vụ sáng tạo một học thuyết đúng đắn để đưa phong trào đi đến thắng lợi, do đó, yêu cầu xác lập một cương lĩnh đấu tranh cho giai cấp công nhân là một yêu cầu cấp thiết của lịch sử.

?- Hòan cảnh ra đời của chủ nghĩa cộng sản khoa học?

II. HOẠT ÐỘNG CỦA MARX VÀ ENGELS

TOP

1. Xây dựng lý luận.

Marx-Engels là những người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, là những người đầu tiên đã sáng lập ra học thuyết cách mạng cho giai cấp vô sản.

Quá trình ra đời và phát triển của học thuyết Marx chính là quá trình đấu tranh không ngừng chống những quan điểm duy tâm và siêu hình, thể hiện trong những tác phẩm Marx -Engels cùng viết từ năm 1844 đến năm 1848. Trên cơ sở kế thừa có phê phán các thành tựu của khoa học và những trào  lưu tư tưởng thế kỉ XIX, Marx và Engels đã xây dựng cho giai cấp công nhân một học thuyết cách mạng. Ðó là chủ nghĩa cộng sản KH.

2. Ðấu tranh tuyên truyền và xây dựng tổ chức trong phong trào công nhân.

Ðể tạo điều kiện tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản vào phong trào công nhân và đặt sợi dây liên lạc giữa những nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa, Marx và Engels đã thành lập Ủy ban thông tấn cộng sản 1845 ở Bruxelles. Ủy ban này thiết lập và duy trì quan hệ với những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở Ðức, quan hệ với những người chủ nghĩa cộng sản Pháp. Tháng 6-1847, Ðồng minh những người cộng sản được thành lập trên cơ sở cải tổ Ðồng minh những người chính nghĩa. Ðại hội thứ II của Ðồng minh những người cộng sản họp ở London vào mùa thu 1847 đã thông qua điều lệ về tổ chức và tiến hành xây dựng cương lĩnh. Marx và Engels được ủy nhiệm soạn thảo bản cương lĩnh của Ðồng minh. Tháng 2-1848, Tuyên ngôn được ra mắt lần đầu tiên ở Luân đôn bằng tiếng Ðức.

III. TUYÊN NGÔN CỦA ÐẢNG CỘNG SẢN

TOP

Tuyên ngôn Ðảng Cộng Sản là văn kiện cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong Tuyên ngôn, Marx-Engels trình bày một cách súc tích và có hệ thống những nguyên lý lý luận của mình về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học. Trái với những lời lẽ giả dối và vu khống chủ nghĩa cộng sản, trái với những điều bịa đặt về chủ nghĩa cộng sản, Marx - Engels đã công khai và dũng cảm tuyên bố cho thế giới biết sự thật về nhiệm vụ lịch sử của giai cấp công nhân.

Tuyên ngôn có một lời mở đầu và 4 chương.

Lời mở đầu gồm: lý do ra đời và mục đích của tuyên ngôn.

Chương I: Tư sản và vô sản

Trình bày một cách khái quát qui luật phát triển của chủ nghĩa tư bản, nêu lên sự đối lập giữa tư sản và vô sản, nêu lên vai trò lịch sử của giai cấp vô sản.

- Marx-Engels vạch ra qui luật phát triển của xã hội loài người sau khi chế độ cộng sản nguyên thủy tan rã là lịch sử phát triển của sản xuất và lịch sử của đấu tranh giai cấp.

- Tiếp đó, Marx-Engels nêu lên giai cấp tư sản là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài, nêu rõ vai trò của giai cấp tư sản trong lịch sử, đồng thời vạch rõ những mặt tiêu cực của họ. Giai cấp tư sản ra đời, tạo nên những lực lượng sản xuất phát triển mạnh, nhưng chính sự phát triển mạnh của sức sản xuất sẽ trở thành một yếu tố đưa giai cấp tư sản đi dần đến chỗ diệt vong.

- Marx -Engels cũng chứng minh rằng khi nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển thì giai cấp vô sản cũng trưởng thành, lớn lên về mặt chính trị, nhận thức được sức mạnh giai cấp và họ sẽ đứng lên đảm đương vai trò lịch sử của mình. Khi cuộc đấu tranh giai cấp phát triển, cuối cùng sẽ dẫn đến cuộc nội chiến tiềm tàng, ngấm ngầm trong lòng xã hội tư bản, cho đến lúc nội chiến ấy bùng nổ thành ra cách mạng công khai", và sẽ đến lúc giai cấp vô sản xây dựng sự thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực, lật đổ giai cấp tư sản. Hai ông đã kết luận rằng giai cấp tư sản tạo ra người đào huyệt chôn ngay chính nó, sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu.

Chương II: Những người vô sản và những người Cộng sản

Marx-Engels nêu lên mối quan hệ khăng khít giữa giai cấp vô sản và đội tiên phong của nó, tức là Ðảng của giai cấp vô sản. Hai ông vạch rõ rằng muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử chôn vùi giai cấp tư sản và xây dựng xã hội mới, giai cấp vô sản phải có chính Ðảng của mình, phải thiết lập chuyên chính vô sản và tiến hành những biện pháp cách mạng.

- Marx- Engels cho rằng những người cộng sản là bộ phận tiên tiến nhất, kiên quyết nhất của giai cấp vô sản; họ được giác ngộ về quyền lợi giai cấp, được vũ trang bằng lí luận cách mạng, hiểu rõ những điều kiện và bước tiến cũng như những kết quả của phong trào cách mạng.

- Marx- Engels chỉ ra đường lối, biện pháp đấu tranh cho giai cấp công nhân để khẳng định sự thống trị của mình và thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp: xây dựng chủ nghĩa xã hội và cộng sản chủ nghĩa: Muốn giành được chính quyền và sử dụng chính quyền đó vào mục đích của giai cấp vô sản, phải dùng bạo lực cách mạng, xâm phạm một cách chuyên chế vào quyền sở hữu và chế độ sản xuất tư sản.

Chương III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Marx- Engels nêu lên những học thuyết xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ra đời trước và cùng lúc với chủ nghĩa cộng sản khoa học. (Chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tư sản, chủ nghĩa xã hội bảo thủ....) Marx- Engels vạch rõ tính giai cấp của những trào lưu tư tưởng phi vô sản, tác hại của những trào lưu đó. Ðặc biệt, Marx- Engels đánh giá một cách đúng đắn chủ nghĩa xã hội không tưởng vì nó dám phê phán một cách sâu sắc xã hội tư bản, đồng thời nêu lên tính chất không tưởng của nó và chỉ ra rằng khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao mà  còn giữ lấy chủ nghĩa xã hội không tưởng là sẽ kìm hãm phong trào công nhân.

Chương IV: Lập trường của những người cộng sản đối với các Ðảng đối lập.

Marx Engels đề ra những nguyên lý cơ bản về sách lược của Ðảng cộng sản trong cuộc đấu tranh cho dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

- Những người cộng sản phải ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống lại những trật tự xã hội và chính trị hiện có. Cuộc đấu tranh giai cấp vô sản có thắng lợi hay không là ở chỗ nó có đoàn kết được chung quanh mình quần chúng nhân dân bị bóc lột hay không. Ðảng cộng sản phải giáo dục cho giai cấp vô sản nhận thức đầy đủ mục đích cuối cùng của mình là đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản, phải bảo đảm tính chất độc lập về chính trị và tổ chức của mình để lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi.

Bản Tuyên Ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu chiến đấu Vô sản tất cả các nước liên hợp lại

Sự ra đời của CNCSKH  đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào công nhân. Việc truyền bá chủ nghĩa CSKH trong hàng ngũ giai cấp công nhân đã đem lại một nhân tố tự giác cho phong trào công nhân, nâng phong trào  lên một trình độ cao hơn và tạo nên một sức mạnh chưa từng có cho giai cấp công nhân.

?- Những luận điểm cơ bản trong TNÐCS?

?- Ý nghĩa lịch sử của TNÐCS?

Bài  10:  QUỐC TẾ THỨ NHẤT (1864 - 1876)
I. HOÀN CẢNH RA ÐỜI VÀ VIỆC THÀNH LẬP

TOP

1. Hoàn cảnh ra đời.

1.1. Ðến những năm 50, 60 của thế kỷ thứ XIX, về cơ bản chủ nghĩa tư bản đã được xác lập ở các nước châu Âu. Lúc bấy giờ, Anh vẫn là nước đứng đầu thế giới, là công xưởng thế giới. Các nước khác như Pháp, Ðức, Ý... cũng có một nền kinh tế phát triển đáng kể . Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và những thành tựu của khoa học, kỹ thuật cuối thế kỷ XIX đánh dấu một biến tiến vĩ đại ở các nước châu Âu: việc thông tin liên lạc được cải tiến, sự hiểu biết lẫn nhau và các tin tức ở các nước làm cho sự giao tiếp của giai cấp công nhân càng ngày càng gần gũi.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dẫn đến sự thay đổi về quan hệ xã hội: ở những nước tư bản phát triển, giai cấp tư sản đã chiếm vị trí thống trị, ở những nơi còn có sự thỏa hiệp của bọn tư sản và quí tộc; thì bọn này cũng đã tư sản hóa rất nhiều. Lúc bấy giờ, giai cấp vô sản cũng ngày càng lớn mạnh. Sự thất bại của họ trong những năm 48-49 càng làm cho sự mâu thuẫn vốn có giữa họ và giai cấp tư sản ngày càng sâu sắc hơn. Vì thế, chỉ sau một thời gian lắng dịu, phong trào công nhân châu Âu phục hồi nhanh chóng.

1.2. Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời ngày càng nhiều các xí nghiệp công nghiệp, giai cấp vô sản ngày một đông đảo và tập trung trong các nhà máy lớn: cơ cấu và chất lượng của giai cấp công nhân thay đổi rõ rệt. Số công nhân trong các xí nghiệp nhỏ giảm đi và tập trung trong các nhà máy lớn, trình độ giác ngộ và tính chất quần chúng của họ được nâng cao.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ từ những năm 1847-1857-1867  làm cho tình trạng của họ càng khốn đốn: luôn luôn bị  nạn thất nghiệp đe dọa, điều kiện sinh hoạt và làm việc không bảo đảm...Vì thế, trong thời gian này những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân liên tiếp diễn ra bằng những cuộc biểu tình, bãi công... chống chế độ làm thuê và những chính sách đối ngoại phản động của chính phủ tư sản. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, các luồng tư tưởng phi vô sản vẫn ảnh hưởng ít nhiều trong phong trào công nhân, làm cho các tổ chức công nhân mang tính chất bè phái. Sự lớn mạnh của phong trào công nhân đòi hỏi phải thanh toán nạn bè phái, thống nhất tổ chức của giai cấp vô sản trên cơ sở chủ nghĩa cộng sản khoa học, đó cũng là yêu cầu thành lập tổ chức Quốc tế của giai cấp công nhân.

1.3. Trong những năm cách mạng sôi sục ở Châu Âu, Marx Engels đã tham gia và hướng dẫn phong trào công nhân chiến đấu chống lại mọi biểu hiện của những tư tưởng phi vô sản. Ðó là những năm Marx Engels phải vất vả và kiên trì đấu tranh chống những hoạt động phản động của chính phủ tư sản. Marx-Engels cho xuất bản những tác phẩm, trong đó hai ông đã đúc kết những bài học kinh nghiệm của các cuộc cách mạng 48-49 và vạch ra con đường đấu tranh cho giai cấp công nhân.

Trước sự trưởng thành về ý thức và tổ chức của phong trào công nhân khắp nơi và trong cuộc đấu tranh nhằm quét sạch mọi ảnh hưởng tiểu tư sản và bè phái, việc thành lập một tổ chức chung có tính chất quốc tế của giai cấp công nhân đã trở thành một đòi hỏi khách quan và bức thiết.

2. Sự thành lập quốc tế thứ I.

Quốc tế thứ nhất ra đời vào lúc ý thức đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản được tăng cường. Nhờ có Marx tham gia nên ngay từ đầu, quốc tế thứ nhất đã đi theo ngọn cờ của chủ nghĩa cộng sản khoa học và là một tổ chức cách mạng mang tính quốc tế đầu tiên của giai cấp vô sản.

Tại cuộc mít tinh ở Saint Martins Hall tổ chức vào 28-9-1864 ở Luân Ðôn để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Ba Lan, giai cấp công nhân đã quyết định thành lập tổ chức công nhân quốc tế lấy tên là Hội liên hiệp công nhân quốc tế. Việc thành lập Quốc tế thứ I là một tất yếu trong phong trào công nhân và là kết quả của quá trình hoạt động cách mạng không ngưng nghỉ  của Marx- Engels.

?- Những tiền đề của việc thành lập Quốc tế I ?

2.1. Tuyên ngôn thành lập:

Sau khi thành lập, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Quốc tế thứ nhất là vạch ra những văn kiện có tính chất cương lĩnh xác định đúng đắn mục đích và phương pháp đấu tranh của quốc tế. Bản cương lĩnh của quốc tế được Marx hiệu đính lại trên cơ sở những dự thảo của Wolff (Ý) và Weston (Anh). Trong tuyên ngôn, Marx đã tổng kết tình hình kinh tế xã hội và phong trào công nhân của các nước Châu Âu và Bắc Mỹ từ 1848-1864, những kinh nghiệm thất bại của giai cấp công nhân trong các cuộc cách mạng những năm 48-49,  Marx đã kết luận: Sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân phải do giai cấp công nhân đảm đương, và việc giành chính quyền trở thành một nghĩa vụ vĩ đại của giai cấp công nhân.

Tuyên ngôn nêu lên những mục tiêu và nội dung của chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa, tác dụng quan trọng của sự thực hiện và tăng cường đoàn kết, hợp tác anh em giữa giai cấp công nhân các nước. Số lượng chỉ có sức nặng trên bàn cân khi nào được liên kết lại và được kiến thức chỉ đạo.

Tuyên ngôn kêu gọi giai cấp công nhân các nước đoàn kết đấu tranh chống chính sách đối ngọai phản động của các chính phủ tư sản và phong kiến nhằm thực hiện những qui tắc đúng đắn trong quan hệ giữa các dân tộc. Tuyên ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại.

2.2. Ðiều lệ tạm thời.

Bản điều lệ tạm thời cũng do Marx viết lại sau khi sửa sai những tư tưởng của Wolff, Le Lubez... Ðiều lệ chính thức được thông qua tại đại hội Genève.

Ðiều lệ gồm có hai phần: phần đầu có tính chất cương lĩnh và phần hai có 13 điều cụ thể. Phần cụ thể gồm 13 điều nói về tên của Hội, mục đích của Hội và những nguyên tắc tổ chức của Hội.

2.3. Nguyên tắc tổ chức của hội là chế độ tập trung dân chủ. Cơ quan tối cao của quốc tế là đại hội hàng năm, đại hội bầu ra ban chấp hành trung ương (sau gọi là Tổng hội đồng). Ban chấp hành trung ương cử ra một ủy ban thường trực. Cơ sở của quốc tế là các chi bộ ở các địa phương.

Trong những năm đầu, quốc tế liên hiệp nhiều tổ chức công nhân khác nhau như các công đoàn, những hội tương tế, ái hữu, những hợp tác xã tiêu thụ và sản xuất, những hội giáo dục và những câu lạc bộ chính trị. Marx cho rằng trong thời gian đầu, thành phần  tổ chức quốc tế của giai cấp vô sản không khỏi phức tạp nhưng đó không phải là thái độ hòa giải của Marx-Engels đối với các trào lưu phi Mác-xít. Marx cho rằng tổ chức của hội cần phải cứng rắn về thực chất, mềm dẽo về hình thức.

II. HOẠT ÐỘNG CỦA QUỐC TẾ

TOP

Quốc tế hoạt động thông qua đại hội hàng năm để nghe báo cáo về tình hình phát triển của phong trào công nhân và thông qua những nhiệm vụ hành động. Ban chấp hành trung ương ở Luân đôn đã hoạt động thường xuyên và trở thành trung tâm chính trị của phong trào công nhân quốc tế.

1. Hội  nghị Luân đôn (1865).

Năm 1865, nhiều chi bộ của quốc tế được thành lập ở một số nước, nhưng chưa đủ vững mạnh để có thể triệu tập đại hội vào 1865 như điều lệ qui định. Theo đề nghị của Marx, một hội nghị bí mật họp ở Luân đôn để kiểm điểm lực lượng và chuẩn bị cho đại hội vào năm tới.

Trong hội nghị này, Marx đã đấu tranh chống những người thuộc phái Prudhon không muốn thảo luận những vấn đề chính trị như yêu cầu độc lập của Ba Lan. Phái Prudhon đại diện cho những người xã hội Bỉ và Pháp phủ nhận đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân, phủ nhận việc xây dựng chính đảng và giành chính quyền của giai cấp vô sản, phủ nhận cuộc đấu tranh đòi hỏi phải có luật pháp bảo vệ lao động...Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Prudhon kéo dài trong ba đại hội.

2. Ðại hội Genève (1866).

Lúc này, Marx bận viết bộ tư bản nên không đến dự được nhưng ông đã chuẩn bị một bản chỉ thị và hướng dẫn tỉ mĩ.

Ðại hội bàn và thông qua một số vấn đề quan trọng trong phong trào công nhân: đòi ban hành luật lao động, chế độ làm việc 8 giờ/ ngày, đòi bảo hộ lao động, bàn về những hình thức và phương pháp đấu tranh của giai cấp công nhân, sự đoàn kết quốc tế; cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đối với chính sách của giai cấp tư sản. Những người theo Prudhon đã chống đối lại những vấn đề trên. Cuộc đấu tranh kết thúc bằng sự thất bại của phái Prudhon. Ðại hội tán thành việc đòi pháp luật  thừa nhận chế độ làm 8 giờ/ngày, đòi bảo hộ lao động, kêu gọi các công đoàn ủng hộ các phong trào chính trị và xã hội tiến bộ: chống việc Nga hoàng đàn áp Ba Lan.

Lúc bấy giờ, cuộc khủng hoảng kinh tế 1866 nổ ra ở các nước, gây ra một cao trào bãi công của công nhân châu Âu. Quốc tế đã lãnh đạo và giúp đỡ các cuộc bãi công đi đến thắng lợi. Sự ủng hộ của quốc tế đối với phong trào công nhân đã làm cho Quốc tế trở thành một trung tâm lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế.

3. Ðại hội Lausane (1867)

Tại Ðại hội này, đa số đại biểu thuộc phái Prudhon  đã lái đại hội thông qua một số nghị quyết mang tính chất phản cách mạng nhưng những vấn đề trọng yếu nhất thì những người Mácxít thắng lợi. Ðại hội thông qua nghị quyết về những nhiệm vụ chính trị của giai cấp công nhân: khẳng định việc giải phóng công nhân về mặt xã hội sẽ không thực hiện được nếu không giải phóng về chính trị, vì thế, việc cần thiết bước đầu là phải thiết lập quyền tự do về chính trị. Ðại hội cũng thông qua một nghị quyết về việc quốc hữu hóa những phương  tiệûn giao thông vận tải, quyền sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất...Tuy nhiên, đối với vấn đề quốc hữu hóa ruộng đất, Ðại hội đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của phái Prudhon nên phải gác lại. Phái Prudhon đã thao túng đại hội nhưng vẫn không nắm được quyền lãnh đạo quốc tế. Ban Chấp Hành Trung Ương được bầu lại như cũ và trụ sở vẫn đặt ở Luân đôn.

4. Ðại hội Bruxelles (1868)

Cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người Mác xít và những người Prudhon lại tiếp diễn, chủ yếu là vấn đề quốc hữu hóa ruộng đất. Ðại hội thông qua một nghị quyết với đa số phiếu về việc đòi chuyển ruộng đất rừng, kênh đào, hầm mỏ, đường xe lửa... thành sở hữu tập thể. Ðại hội cũng thông qua một loạt nghị quyết về bãi công, công đoàn, ngày làm 8 giờ; xác nhận lại những nghị quyết của đại hội Genève. Ðại hội còn tán thành một nghị quyết khuyên công nhân nghiên cứu quyển Tư bản mà Marx vừa cho xuất bản.

Các nghị quyết của đại hội chứng tỏ rằng phái Prudhon đã bị đánh bại. Ðại hội đã sửa chữa những sai lầm của những nghị quyết tại đại hội Lausane. Thất bại của phái Prudhon trong quốc tế  làm hình thành một phái Prudhon cánh tả đi gần với chủ nghĩa cộng sản khoa học trên một số vấn đề.

Ðại hội Bruxelles họp giữa lúc tình hình châu Âu đang căng thẳng, có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới. Ðại hội đã thông qua một nghị quyết có tính chất ảo tưởng coi bãi công là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn chiến tranh. Marx đã phê bình và lên án nghị quyết đó.

Marx và những người theo Marx còn đấu tranh chống chủ nghĩa công đoàn ở Anh và chủ nghĩa Lassalle ở Ðức. Những lãnh tụ của phong trào công đoàn Anh là chỗ dựa cho phái Prudhon hoành hành, vì thế Marx không ngừng đấu tranh gạt bỏ những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa của những lãnh tụ công đoàn. Theo đề nghị của Marx, chức chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương do Odger giữ bị bãi bỏ. Ngoài ra, trong vấn đề Ireland, Marx-Engel đã kêu gọi công nhân Anh ủng hộ phong trào Fenians của Ireland và vạch rõ những sai lầm trong phong trào này để việc đấu tranh của nhân dân Ireland được thắng lợi. Những cuộc đấu tranh chống đường lối thỏa hiệp của các lãnh tụ công đoàn Anh vẫn còn tiếp diễn trong những năm cuối cùng của Quốc tế và cả sau khi Quốc tế đã giải tán.

Khi Quốc tế thành lập, Lassalle đã chết, nhưng những người theo Lassalle vẫn ngoan cố bảo vệ những luận điểm sai lầm. Marx-Engels đã giúp đỡ giai cấp công nhân Ðức thành lập Ðảng công nhân chủ nghĩa xã hội dân chủ Ðức: một chính đảng Marx-xít đầu tiên của giai cấp công nhân Ðức. Thắng lợi này làm cho phái Lassalle bị phân hóa mạnh.

5. Ðại hội Bale. (1869)

Sau đại hội Bruxelles, những phần tử tiểu tư sản trong Quốc tế I không thể công khai hô hào chủ nghĩa cải lương và bảo vệ chế độ tư hữu. Họ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản khoa học bằng cách tung ra những lời lẽ mập mờ về cách mạng và chủ nghĩa xã hội, đó là chủ nghĩa Bakounine: một kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa Marx.

Quan điểm chính trị của Bakounine thể hiện tâm trạng phiến loạn của tầng lớp tiểu tư sản đã mất hết hy vọng thoát khỏi tình trạng vô sản hóa. Nó được truyền bá rộng rãi ở những nơi mà nền công nghiệp còn lạc hậu, giai cấp vô sản công nghiệp hình thành rất yếu ớt. Chủ nghĩa vô chính phủ của Bakounine bác bỏ mọi thứ nhà nước, kể cả nhà nước vô sản, phản đối việc thành lập chính Ðảng vô sản và vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản. Bakounine hô hào giai cấp vô sản từ bỏ đấu tranh chính trị, tuyên truyền khẩu hiệu san bằng giai cấp mà thực chất là hòa hợp giai cấp giữa tư sản và người lao động. Chủ nghĩa vô chính phủ của Bakounine gần giống với chủ nghĩa Prudhon nhưng nguy hiểm hơn vì nó không dùng những lời lẽ cải lương mà lại nấp dưới danh nghĩa của chủ nghĩa Marx để che đậy bản chất của nó. Nó hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Marx.

Cuộc đấu tranh giữa những người Marx-xít và Bakounine bùng nổ chung quanh vấn đề quyền thừa kế. Bakounine cho rằng xóa bỏ quyền thừa kế bằng con đường hợp pháp trong khuôn khổ xã hội tư sản là một biện pháp để chuyển sang chế độ sở hữu tập thể. Marx đã phê phán luận điểm này và cho rằng cần phải đấu tranh chống chính quyền tư sản để giành lấy chính quyền, khi đó quyền thừa kế sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Sau đại hội Bale, nhóm Prudhon ly khai Quốc tế, công nhân Pháp và Bỉ tập trung trong phái Prudhon cánh tả; Bakounine thất bại trong đại hội Bale, chuyển sang hoạt động chia rẽ chi bộ quốc tế ở Thụy sĩ và dùng báo chí để chống Marx. Cuộc đấu tranh chống Bakounine vẫn còn tiếp tục cho đến khi Quốc tế ngừng hoạt động.

Quá trình hoạt động và tồn tại của Quốc tế là một quá trình đấu tranh gay gắt và liên tục của chủ nghĩa Marx đối với  những tư tưởng phi vô sản. Cuộc đấu tranh của Quốc tế I chống lại những người theo tư tưởng phi Marx xít diễn ra trên các vấn đề: chính trị, kinh tế - xã hội, tổ chức. Về chính trị: đấu tranh để giành quyền chính trị cho giai cấp vô sản thông qua nhà nước chuyên chính vô sản (các phái khác phủ nhận đấu tranh chính trị). Về kinh tế: các phái phản đối xã hội hóa tư liệu sản xuất, cố ý tách đấu tranh kinh tế ra khỏi đấu tranh chính trị nhưng Marx cho rằng một cuộc đấu tranh của công nhân về hình thức có vẻ như một cuộc đấu tranh kinh tế, nhưng thực chất là đấu tranh chính trị. Về tổ chức: những người mang tư tưởng phi Marx xít đã coi nhẹ việc thành lập chính Ðảng của giai cấp công nhân.

Trong lịch sử tồn tại của mình, thông qua con đường đấu tranh, Quốc tế thứ nhất đã giành từng bước thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của Quốc tế đã chinh phục được đông đảo giai cấp vô sản, làm cho sự nghiệp của Quốc tế thứ nhất không bị phai mờ.

Marx đã tích cực hoạt động trong việc thành lập Quốc tế đồng thời cũng là người điều hành và lãnh đạo mọi vấn đề của tổ chức này. Ông chính là ì linh hồn của Quốc tế thứ nhất như Lênin đã nhận định.

?- Vai trò của Marx -Engels trong việc thành lập Quốc tế thứ nhất ?

?- Những hoạt động của Quốc tế ?


Top Previous Index Next Home