I.2-Địa hình tỉnh Phú Yên 

Cả ba mặt của Phú Yên đều là núi, phía bắc có dãy Cù Mông, phía nam là dãy Đại Lãnh, phía tây là mạn sườn Đông của dãy Trường Sơn. Núi ở Phú Yên, những ngọn cao nhất tập trung ở phía tây huyện Đồng Xuân (núi Chư Treng-1.238m, núi La Hiên-1.318m), ở tây nam huyện Tuy Hòa (hòn Dù-1.470m, hòn Chúa-1.310m) và phía nam huyện Sông Hinh (núi Chư Ninh-1.636m), các núi còn lại nhìn chung không cao, dao động từ 300-600m. Ở trong nội thị thành phố tuy Hòa có một núi tuy không cao nhưng rất nổi tiếng vì nằm ngay bên bờ sông Ba, có Tháp Nhạn cổ kính, phong cảnh trữ tình, đó là núi Nhạn. Do địa hình có nhiều núi đồi nên ở Phú Yên cũng lắm đèo dốc. Dọc theo quốc lộ 1A có các đèo dốc tương đối dài và hiểm trở, nằm trên địa bàn các huyện:

-Huyện Sông Cầu: Đèo Cù Mông, nằm trên dãy núi Cù Mông, có độ cao 245m, là điểm phân ranh giữa Phú Yên và Bình Định; Đèo Tùy Luật (xã Xuân Cảnh); Đèo Nại (xã Xuân Phương); Dốc Găng (phía nam thị trấn Sông Cầu); Dốc Quýt (xã Xuân Thọ 1); Dốc Gành Đỏ (còn gọi là dốc Xuân Đài, xã Xuân Thọ 2).

-Huyện Tuy An: Dốc Vườn Xoài (còn gọi là dốc Đá Trắng xã An Dân); đèo Tam Giang (phía nam thị trấn Chí Thạnh); đèo Quán Cau (ranh giới giữa xã An Cư và An Hiệp); dốc Bà Ền (xã An Hòa).

-Huyện Đông Hòa: Đèo Cả (trên dãy núi Đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam).

Ngoài ra trên các đường tỉnh, huyện, xã còn nhiều đèo dốc, đáng kể là đèo Cây Cưa ở Đồng Xuân, đèo Thị ở Tuy An, đèo Bình Thảo ở Sông Hinh, đèo Dinh Ông  trên QL25...

Cũng chính do cấu tạo địa chất có nhiều núi đèo, nên Phú Yên cũng có nhiều hang, gộp ăn sâu vào núi tạo thành những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, phân bố đều  trên khắp các địa phương trong tỉnh. Tiêu biểu là:

-Huyện Tuy Hoà có các gộp bãi Xép, hốc Gạo, hốc Võ, hốc Răm, hốc Hoành,  hốc Nhum, suối Cùng, suối Lạnh, suối Mua, suối Nước Đổ, Đá Đen, Hòn Đất, Chà Rang, Mòng Mòng.

-Thành phố Tuy Hoà có hang Trai Thuỷ (hay còn gọi Hang Dơi) ở núi Chóp Chài, gộp Đá Bàn.

-Huyện Tuy An có hốc Bé, hốc Tạ

-Huyện Sông Cầu có hốc Bà Beo, gộp Hoà Lợi

-Huyện Đồng Xuân có hốc Bà Chiền

-Huyện Sơn Hoà có hang Thuồng Luồng, gộp Hòn Huyệnh, gộp Ma Tửu

-Huyện Sông Hinh có hang Cồ...

Một điều đáng lưu ý là hầu hết các hang, gộp ở Phú Yên đều gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ vì là nơi đóng cơ quan, đóng quân của cách mạng.

Các con sông ở Phú Yên đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía tây, dãy Cù Mông ở phía bắc và dãy núi Đèo Cả ở phía nam, hướng chính là Tây Bắc-Đông Nam hoặc Tây-Đông, có độ dốc lớn nên thường cạn vào mùa khô. Sông lớn nhất là sông Ba, ở thượng lưu còn gọi là Eaba, ở hạ lưu gọi là Đà Rằng, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (Kon Tum) cao 1.500m và đổ ra cửa Đà Diễn (thành phố Tuy Hòa), dài 360km, phần chảy trong tỉnh dài 90m. Sông Ba (sông Đà Rằng), cùng với núi Nhạn từ lâu đã tạo nên một thành ngữ “Núi Nhạn sông Đà” để nói về thành phố Tuy Hòa, hay rộng hơn là nói về Phú Yên. Sông lớn thứ 2 là sông Kỳ Lộ, còn gọi là sông La Hiên ở thượng nguồn và sông Cái ở hạ lưu, bắt nguồn từ dãy núi cao 1.000m ở Gia Lai và Bình Định, đổ ra cửa biển Tiên Châu ở Tuy An, có chiều dài 120km, phần chảy trong tỉnh là 76km. Ngoài 2 sông lớn là sông Ba và sông Kỳ Lộ, trên địa bàn tỉnh còn có các sông: Bàn Thạch-còn gọi là sông Bánh Lái, sông Đà Nông (huyện Đông Hòa), sông Hinh, sông Krông Năng (huyện Sông Hinh), sông Cà Lúi, sông Thá, sông Con, sông Bà Lá (huyện Sơn Hòa), sông Cầu (huyện Sông Cầu), sông Con, sông Trong, sông Đồng Bò (huyện Tây Hòa), sông Trà Bương, sông Cô (huyện Đồng Xuân), sông Quy Hậu (huyện Phú Hòa)...

Từ các dòng sông đổ ra biển đã tạo nên các đầm, vũng, vịnh tuyệt đẹp. Ở Sông Cầu nổi tiếng nhất là đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, vũng Lắm (còn gọi là vũng Lấm), vũng La, vũng Chao, ở Tuy An có đầm Ô Loan với nhiều hải sản quý hiếm như sò huyết, ở Đông Hòa có Vũng Rô nổi tiếng với những con tàu không số của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Với các đầm, vũng, vịnh đó, ngay từ thời nhà Nguyễn, triều đình cũng đã cho mở các hải khẩu để vận chuyển, mua bán, giao lưu như những thương cảng nhỏ, đó là 6 hải khẩu: Cù Mông, Xuân Đài, Vũng Lấm, Phú Sơn, Đà Diễn, Đà Nông.

Phú Yên có bờ biển dài 198km, chạy từ Cù Mông đến vũng Rô là một trong những bờ biển tương đối đẹp. Do đặc điểm cấu tạo địa hình có những đoạn núi ăn thông ra sát biển tạo thành những hang, động, đầm, vịnh, vũng, mũi, đảo và bán đảo. Hai vịnh Xuân Đài và Vũng Rô là những nơi neo đậu tàu thuyền tránh gió bão và có thể biến thành hải cảng cho các tàu có trọng tải lớn ra vào. Bờ biển Phú Yên có những đoạn trải dài với những bãi cát trắng mịn và hàng thuỳ dương chạy men theo tựa như mái tóc thiếu nữ xoã dài trên tấm thân trắng ngọc ngà của những tiên nữ nằm trên bờ biển rì rào sóng nhạc. Đó là bãi Tiên huyện Sông Cầu hay bãi biển Mỹ Á thành phố Tuy Hoà. Đất và núi chạy ra tận biển tạo thành những đảo và bán đảo đẹp như đảo hòn Nần hay còn gọi là đảo Bàn Than nằm trong đầm Cù Mông; đảo Nhất Tự Sơn thuộc địa phận thôn Khoan Hậu Sông Cầu… hay các bán đảo Vịnh Hoà, Xuân Thịnh, Vũng Rô…           

Cũng chính do địa hình phức tạp như vậy, nên ở Phú Yên có những mỏm đá nhô ra tận biển xa như một bàn tay níu lấy biển cả vào sát gần đất liền. Một trong những mỏm nổi tiếng là mũi Nạy hay còn gọi là Cap Varella, là điểm cực đông của Tổ quốc trên đất liền. Ngay trong thời thuộc địa, người Pháp đã cho xây ngọn hải đăng ở đây để hướng dẫn tàu thuyền qua lại. Một mỏn đá khác ở Tuy An nổi tiếng không chỉ ở trong tỉnh mà cả nước-đó là gành Đá Dĩa (Đĩa). Các cột đá ở đây có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn giống như cái đĩa, được dựng đứng thành từng cột, liền khít nhau và rất đều.

Ở Phú Yên có 3 cao nguyên, nhưng nổi tiếng nhất nhờ đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa mát mẻ là cao nguyên Vân Hòa. Là một vùng đất đỏ bazan, nằm ở độ cao 400m trên địa bàn các xã Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định của huyện Sơn Hòa, cao nguyên Vân Hòa nổi tiếng từ lâu với “thơm, mít chợ Đồn” và nhiều loại cây ăn quả khác. Tiếp giáp với cao nguyên Vân Hòa về phía đông là cao nguyên An Xuân thuộc xã An Xuân huyện Tuy An. Nơi đây có khí hậu mát mẻ và một loại trà ngon nổi tiếng là trà An Xuân. Sơn Hòa còn có cao nguyên Trà Kê nằm ở xã Sơn Hội, khí hậu và đất đai không tốt bằng cao nguyên Vân Hòa.

Đồng bằng Phú Yên được bồi đắp chủ yếu nhờ 3 con sông lớn: Sông Ba, sông Bàn Thạch bồi đắp nên đồng bằng Tuy Hòa và sông Kỳ Lộ bồi đắp nên đồng bằng Tuy An và Đồng Xuân, trong đó đồng bằng Tuy Hòa được xem như là vựa lúa của miền Trung. Trước kia cánh đồng Tuy Hòa chỉ canh tác được một vụ lúa, nhưng từ khi công trình thủy nông Đồng Cam được hoàn thành vào năm 1932 thì hệ thống nông giang này đã tưới cho gần 19.000ha đảm bảo canh tác 2 vụ, góp phần làm cho sản lượng lúa ở Tuy Hòa tăng vọt.