Previous Index Home

_______________________________________________________________________________________________

CHƯƠNG 15

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐỘNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG  

 

  1. TÌNH TRẠNG MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 1972-1992. 

  2. TÌNH TRẠNG MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM. 

    1. Suy thoái và ô nhiễm đất.

    2. Sự suy thoái rừng.

    3. Suy thoái và ô nhiễm nước.

    4. Suy thoái và ô nhiễm không khí(ONKK).

    5. Suy thoái và ô nhiễm môi trường biển.

    6. Suy thoái sự đa dạng sinh học.

    7. Sự suy thoái và ô nhiễm môi trường đô thị.

    8. Suy thoái và ô nhiễm môi trường nông thôn. 

  3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐỘNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở QUI MÔ TOÀN CẦU. 

  4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐỘNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM. 

    1. Dân số.

    2. Sản xuất lương thực.

    3. Trồng rừng và bảo vệ sinh học.

    4. Phòng chống ô nhiễm.

    5. Quản lí và qui hoạch môi trường.

    6. Tăng cường biện pháp hổ trợ: giáo dục, đào tạo.

     

 

Sự sống tồn tại trên trái đất từ hơn 3 tỉ năm. Con người là sinh vật mới xuất hiện sau này, cách nay khoảng 2 triệu năm. Với số lượng ngày càng tăng, con người tác động ngày càng nhiều lên cái nôi của mình và gây nhiều hậu quả làm giảm khả năng duy trì sự sống của hành tinh. Sự tàn phá của đa số người nghèo phải đấu tranh sống còn, cùng sự hoang phí của một số ít người giàu tiêu thụ phần lớn nguồn tài nguyên của thế giới làm cạn kiệt các nguồn vật chất cần thiết và gây ra sự ô nhiễm trầm trọng cả địa cầu.

Ðã đến lúc loài người phải ý thức được mối quan hệ gắn loài người với sinh quyển như là một thành viên của hệ sinh thái khổng lồ. Một nền đạo lý cho môi trường là một đòi hỏi cấp thiết nhất.

Ổn định dân số ở mức độ giới hạn của hành tinh cùng sự bảo vệ những nguồn tài nguyên là những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển bền vững.

Việc phát triển là sự sửa đổi các điều kiện của sinh quyển cùng các nguồn tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Việc bảo vệ nhằm quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên sao cho thế hệ hiện nay có được những lợi ích về vật chất và tinh thần, đồng thời bảo đảm cho nó tồn tại lâu dài, cho những nhu cầu và nguyện vọng của thế hệ tương lai.

Tóm lại việc phát triển và bảo vệ là để phục vụ loài người. Phát triển là sử dụng sinh quyển, để đạt mục đích đó thì bảo vệ cho phép con người sử dụng sinh quyển được lâu bền.

Từ đó việc tìm hiểu tình trạng môi trường thế giới và của Việt Nam là cần thiết cho việc đề ra các chiến lược bảo vệ tài nguyên và môi trường.

I. TÌNH TRẠNG MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 1972-1992 

TOP

Khủng hoảng môi trường trầm trọng hơn. Trong 20 năm gần đây, sự phá hoại sinh thái gia tăng, hố ngăn cách giàu nghèo càng rộng thêm và trẻ em trở thành những nạn nhân đầu tiên của sự quản lý kém cỏi về môi trường .

Theo một báo cáo quan trọng hàng đầu của chương trình LHQ về môi trường (PNUE), sự ô nhiễm không khí và nước xuyên biên giới tiếp tục gia tăng, theo đó là sự phá rừng, mở rộng diện tích sa mạc, sự giảm sức sản xuất đất nông nghiệp, tỉ lệ gia tăng dân số quá đáng trong lịch sử nhân loại. Sự tàn phá đã đạt đến tầm vóc hành tinh và bao gồm sự giảm tầng ozone, sự thay đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, sự gia tăng chất thải độc hại và sự tuyệt chủng hàng loạt của sinh vật. Báo cáo về tình trạng môi trường 1972-1992 mô tả những yếu tố chủ yếu đã ảnh hưởng lên môi trường và phát triển trong suốt 2 thập kỷ qua. Sau đây là một số vấn đề đáng kể.

1. Dân số hiện nay là 5,4 tỉ người, người ta dự đoán sẽ có thêm một tỉ người nữa trước năm 2000, đó là sự gia tăng nhanh nhất trong lịch sử. 90% các ca đẻ ở trong những nước đang phát triển nơi mà đã có 1,1 tỉ đang sống trong nghèo khó. Mỗi ngày có 35 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh tật lẽ ra có thể tránh được nếu có biện pháp phòng ngừa.

2. Trước năm 2000, sự giảm của tầng ozone có thể từ 5-10% ở những vĩ độ trung bình vào mùa hè. Người ta dự kiến là sự mất 10% của tầng ozone sẽ gây ra một sự gia tăng ung thư da đến mức 26%. Sự giảm ozone có thể làm gia tăng các trường hợp đui mù do đục thủy tinh thể, làm suy giảm hệ thống miễn nhiễm ở người và giảm sự sản xuất thực vật.

3. Khoa học khẳng định rằng sự thay đổi khí hậu đã xảy ra rồi. Những ảnh hưởng có thể là: sự giảm sút nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp ở một số vùng, một sự gia tăng khô hạn, đặc biệt trong những quốc gia khô ráo và sự gia tăng mực biển đe dọa các vùng (bờ biển) thấp.

4. Những xứ đang phát triển chiếm 77% dân số thế giới nhưng chỉ có 15% thu nhập toàn cầu.

5. Gần 900 triệu người sống trong vùng đô thị là nạn nhân của SO2. Nhiều thành phố Châu Âu, trong đó có Paris, thường có mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn chấp nhận được đối với SO2 và sự thải các hạt (bụi) lơ lửng trong không khí.

6. Một phần tư dân Châu Âu uống nước chứa lượng Nitrat cao hơn mức tối thiểu là 25 mg/l, tiêu chuẩn của liên minh Châu Âu.

7. Hằng năm, thế giới săn bắt cá (kể cả động vật thủy sinh khác) từ 31 triệu tấn năm 1970 lên đến con số 91 triệu tấn năm 1989. Sự khai thác ở tầm thế giới không được vượt quá trị số 100 triệu tấn/năm nếu không muốn phức tạp hóa việc phục hồi.

8. Có khoảng từ 200.000 đến 300.000 tấn chất thải nguy hiểm được mang từ Liên Hiệp châu Âu sang các nước trung Âu và Ðông Âu hàng năm.

9. Ước lượng 75% vùng châu Âu bị thiệt hại do mức độ quá cao của Sulfure và 60% bị hại do mức độ quá lớn của Nitrogen .

10. Một phần tư của đa dạng sinh học của hành tinh có thể bị tuyệt diệt trong vòng 20-30 năm tới do hoạt động của con người. Có khoảng từ 100-200 loài biến mất hàng ngày.

11. Sự xói mòn quá đáng làm biến mất hàng năm 25 tỉ tấn đất canh tác trên thế giới.

12. Số người bị đói kinh niên trên thế giới từ 460 triệu, năm 1970 gia tăng đến 550 triệu người năm 1990.

Chúng ta có thể thấy rằng mặc dù khoa học về môi trường có một số thành tựu lớn, nhưng tình trạng môi trường xấu đi so với 20 năm trước.

II. TÌNH TRẠNG MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM

Theo Bộ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ và MÔI TRƯỜNG, 1994 thì môi trường của nước ta bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng, thể hiện qua các mặt sau đây.

1. Suy thoái và ô nhiễm đất

TOP

Có đến hơn 13 triệu đất suy thoái, đất trống đồi núi trọc. Ðộ ẩm cao, mưa nhiều, bão lớn nên các quá trình suy thoái diễn ra nhanh chóng, nên khai thác đất không hợp lý, nhất là vùng đất dốc không có rừng che phủ. Các chất dinh dưỡng bị rữa trôi có thể đến 150-170 tấn/ha/năm ở đất dốc 20-220. Ngoài ra hàm lượng khoáng vi lượng rất ít, pH giảm mạnh, lớp mặn bị kết vón, đá ong hóa dẫn tới mất khả năng canh tác.

Ngoài việc đất mất canh tác, hay giảm độ phì nhiêu của đất, thì việc sử dụng không hợp lý đất và nước trên các lưu vực sẽ gây hiện tượng bồi lấp dòng sông, lòng hồ, cửa biển.

Ở miền Trung, gió đẩy các cồn cát duyên hải vào đất liền gây suy thoái đất trầm trọng. Ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, hàng trăm ngàn ha đất màu mở đã bị nhiễm mặn và nhiễm phèn. Ðất còn bị xói lở các vùng dân cư ven sông, ven biển. Ngoài ra đất còn bị suy thoái hoặc ô nhiễm do khai thác nông nghiệp qúa đáng, không bù đắp đủ số chất khoáng lấy đi qua nông sản. Việc dùng phân tươi để bón ruộng hay việc dùng các chất độc hại làm ô nhiễm đất.

2. Sự suy thoái rừng

Rừng nước ta bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng cũng như chất lượng. Từ hơn 14 triệu ha (44% diện tích) năm 1945, hiện nay chỉ còn khoảng 20-28% diện tích đất còn rừng. Trong đó rừng giàu, tốt chỉ chiếm dưới 10%, rừng trung bình 23%, còn lại là rừng nghèo và mới phục hồi. Rừng còn tiếp tục bị suy thoái nếu không có biện pháp hữu hiệu thì trong vài thập kỷ tới nước ta sẽ không còn rừng.

3. Suy thoái và ô nhiễm nước

Vào mùa khô, nhiều vùng bị thiếu nước trầm trọng (Ðồng Văn, Lai Châu...) Hạn hán kéo dài trong năm 1993 và 1994 tại nhiều tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Quảng Trị gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngược lại mùa mưa, xuất hiện nhiều cơn lũ đặc biệt lớn, lũ các dòng sông lên cao kéo dài nhiều ngày gây úng ngập, làm thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản.

Ô nhiễm nước mặt ngày càng phát triển do chất thải công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải thủy bộ, khu dân cư và sự rửa trôi trên các bề mặt sông suối.

Nước ngầm ngày càng sử dụng nhiều. Nhưng do không quản lý tốt, sử dụng quá mức nên suy thoái về lượng và chất. Từ đó nước mặn xâm nhập nhiều nơi, cùng lớp nước thải sinh hoạt, công nghiệp, gây lún đất, nước ngầm không đủ hay không còn sử dụng được.

4. Suy thoái và ô nhiễm không khí(ONKK)

TOP

Môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp và các vùng sản xuất bị suy thoái ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. ONKK là do các hóa chất độc trong sản xuất công nghiệp (chì, benzen, clor...), trong nông nghiệp (nông dược) và sinh hoạt (chật chội, đông đúc, nhà ổ chuột).

5. Suy thoái và ô nhiễm môi trường biển

Việt Nam có 3260 km bờ biển và trên 3000 đảo với các vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km­­­­2. Tỷ lệ ở các thành phố lớn ven biển chiếm đến 53% dân số cả nước. Biển Ðông có nhiều cá nhưng có nhiều nguy cơ bị nhiễm bẩn do các luồng tàu đi và tại các cảng, nên ô nhiễm Hydrocacbon ở đây là khá cao.

Các vùng ngập mặn, đầm phá và rạng san hô bị khai thác quá đáng và sử dụng những phương tiện không hợp pháp (mìn, thuốc độc, lưới diệt chủng, phá rừng nuôi tôm...)

6. Suy thoái sự đa dạng sinh học

TOP

Tài nguyên sinh học của nước ta rất phong phú. Ðã thống kê được 12.000 loài thực vật, trong nhiều loài cho gỗ quí, làm dược liệu và các mục đích khác.

Ðộng vật gồm 273 loài thú, 774 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng thê, 475 loài cá nước ngọt, 1650 loài cá biển và hàng ngàn loài động vật không xương sống.

Sự tàn phá rừng, săn bắt quá mức, đánh cá bằng mìn... phá hủy và thu hẹp môi trường sống làm giảm số lượng loài, gây tuyệt chủng hoặc nguy cơ tuyệt chủng một số loài. Việc bán thịt thú rừng, xuất lậu thú, chim qua biên giới... góp phần làm suy thoái tài nguyên sinh vật nước ta.

7. Suy thoái và ô nhiễm môi trường đô thị

Nước ta có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ (1992). Dân đô thị tăng nhanh làm tăng lượng chất thải (rác, nước thải, khí thải) làm giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.

8. Suy thoái và ô nhiễm môi trường nông thôn

TOP

Diện tích đất trồng chia đầu người ngày càng giảm do dân số tăng nhanh. Thâm canh dất quá đáng không đúng kỹ thuật, phá rừng để lấy đất canh tác cây lương thực làm đất bị suy thoái.

Nhà ở chưa bảo đảm cho cuộc sống, thiếu vệ sinh, thiếu diện tích... nước uống sạch cho vùng nông thôn nhất là vùng rừng núi là vấn đề cấp thiết.

Vấn đề nhiễm độc do hóa chất trong nông nghiệp cho rau, quả, cá tôm... là vấn đề y tế công cộng không riêng cho dân nông thôn mà cho cả dân đô thị. Nhiễm độc vô ý hay cố ý (tự tử do thuốc sát trùng) gây nhiều hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. Việc sử dụng nông dược tràn lan còn làm giảm đa dạng sinh học.

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐỘNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở QUI MÔ TOÀN CẦU

TOP

Năm 1992, hội nghị về môi trường của Liên hiệp quốc đã qui tụ các nguyên thủ quốc gia và các chuyên gia môi trường của tất cả các nước trên thế giới. Hội nghị đã đánh giá tình trạng môi trường toàn cầu trong 20 năm (từ 1972-1992) và đề ra các hành động cho thời gian tới. Hội nghị đã soạn thảo và thông qua các công ước (convention) về các vấn đề môi trường toàn cầu. Trong đó ta có thể kể:

- Công ước về đa dạng sinh học

- Công ước về thay đổi khí hậu

- Công ước về sự sa mạc hóa

- Công ước về đại dương

Các công ước này sau đó được các quốc gia duyệt và ký tên, xem đó là cơ sở để hành động và phối hợp hành động để bảo vệ môi trường của tất cả mọi người.

Các phương hướng và chương trình hành động để bảo vệ môi trường ở qui mô toàn cầu đã được phổ biến rộng rãi cho tất cả các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn và công chúng có quan tâm. Các tài liệu này được lưu trữ ở các thư viện và mọi người đều có thể tham khảo.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐỘNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

1. Dân số

Dân số nước ta gia tăng quá nhanh với tỉ lệ gia tăng hằng năm là 2,1%, cao hơn mức trung bình toàn thế giới (1,7%). Mỗi năm có thêm 1,5 triệu nhân khẩu. Ðiều này gây một áp lực thực sự to lớn cho vấn đề sản xuất lương thực, tài nguyên và môi trường. Cho nên, nhất thiết phải giảm đà gia tăng dân số để trong vài thập niên tới dân số có thể đạt được mức ổn định.

2. Sản xuất lương thực

Trong 50 năm qua, nông nghiệp nước ta phát triển chậm về sản lượng lương thực, năng suất cây trồng và bình quân lương thực tính theo đầu người còn ở khoảng hơn 300 kg, tức còn rất thấp, và là mối đe dọa thường xuyên của mọi người.

Cho nên trong thời gian tới, cần gia tăng sản lượng lương thực bằng cách giải phóng sức sản xuất nông nghiệp, khai thác và sử dụng hợp lý tiềm năng đất đai, sức lao động, vốn và kinh nghiệm sản xuất của nông dân.

Cần cân nhắc kỷ việc khai khẩn đất mới, phá rừng trồng lúa, sao cho có hiệu quả kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường.

3. Trồng rừng và bảo vệ sinh học

TOP

Trong mấy chục năm qua, rừng và đa dạng sinh học của nước ta bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 1943, rừng che phủ 44% tổng diện tích, đến nay chỉ còn 20 đến 28% tức là rất thấp so với mức an toàn sinh thái (bằng hay trên 1/3 tổng diện tích). Hàng năm có từ 160-200 ngàn ha rừng bị mất đi. Rừng bị mất kéo theo sự giảm đa dạng sinh học vốn rất phong phú và đa dạng. Nhiều loài đã và đang bị tuyệt chủng. Trong 4 thập niên qua, có ít nhất là 200 loài chim và 120 loài thú bị diệt vong (Báo cáo của CHXHCNVN, 1992).

Biện pháp bảo vệ rừng và đa dạng sinh học là cấp thiết sống còn của đất nước. Chúng ta cần thực hiện các biện pháp trước mắt và lâu dài như sau:

- Cấm phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn.

- Ổn định dân số, giảm nghèo đói cho dân vùng rừng núi và các vùng nông thôn.

- Có chính sách giao đất, giao rừng bảo đảm lợi ích nông dân và lợi ích quốc gia

- Trồng lại rừng và cây phân tán ở tất cả các nơi.

- Kiểm soát việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

- Cấm các phương tiện đánh bắt có tính cách hủy diệt sự sống (chất độc, bom mìn, điện, lười diệt chủng...).

- Củng cố và mở rộng các vườn quốc gia, các khu bảo tồn tài nguyên.

4. Phòng chống ô nhiễm

TOP

Môi trường nước, không khí và đất đã bị ô nhiễm, có khi đến mức trầm trọng cả ở thành thị lẫn nông thôn. Rác thải, nước thải và khí thải ở các đô thị là vấn đề phức tạp nhất. Ở nông thôn, tập quán ở theo kinh rạch, không đủ điều kiện vệ sinh, lạm dụng phân bón và nông dược làm cho môi trường nông thôn cũng ô nhiễm, đặc biệt là khan hiếm nước sạch. Ðiều đáng nói là nước ta chưa có hệ thống sử lý chất thải, cho nên những thứ dơ bẩn điều vứt trực tiếp ra môi trường.

Ðể từng bước cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cần có các biện pháp sau đây:

- Nâng cao dân trí, làm cho mọi người thấy rằng môi trường xung quanh và các công trình công cộng là của chúng ta, chớ không phải của chúng nó.

- Các tiêu chuẩn quốc gia và địa phương về chất thải phải được mọi người tuân thủ. Do đó, nhà máy, xí nghiệp phải tự giảm thiếu chất thải bằng qui trình công nghệ và xây dựng hệ thống xử lý chất thải của cơ sở.

- Khuyến khích công nghệ sạch (sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân hóa học, biện pháp quản lý tổng hợp dịch hại (IPM) ở nông thôn; công nghệ ít chất ô nhiễm trong công nghiệp...).

- Xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt.

5. Quản lý và qui hoạch môi trường

- Thành lập Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường và các Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường ở các tỉnh.

- Xây dựng chính sách và pháp luật về môi trường.

- Ban hành tiêu chuẩn môi trường và cách đánh giá tác đông môi trường.

- Xây dựng hệ thống quan trắc (monitoring system) quốc gia.

- Ðẩy mạnh nghiên cứu về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, đồng thời hướng tới việc phát triển bền vững.

- Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong việc bảo vệ và qui hoạch môi trường.

6. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ : giáo dục, đào tạo...

TOP

- Nâng cao dân trí tổng quát và cải thiện điều kiện sống của quần chúng.

- Ðưa chương trình giáo dục về môi trường, tình yêu thiên nhiên vào các lớp học chính khóa và ngoại khóa (du khảo, tham quan).

- Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ðào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức cơ bản về khoa học môi trường và có khả năng đề xuất các ý kiến xử lý và bảo vệ môi trường.

Tất cả chương trình hành động trên có thể làm cơ sở để chúng ta phát triển, đồng thời sử dụng và bảo vệ tài nguyên và môi trường của mỗi địa phương, quốc gia và góp phần bảo vệ trái đất, cái nôi của sự sống.

 

Top Previous Index Home