Previous Index Next Home

_______________________________________________________________________________________________

CHƯƠNG 11

CÁC NHU CẦU KHÁC CỦA CON NGƯỜI

 

  1. NHU CẦU NHÀ Ở VÀ QUẦN ÁO. 

    1. Khái niệm.

    2. Vai trò cơ bản của quần áo và nhà ở.

  2. NHU CẦU ÐI LẠI. 

  3. NHU CẦU VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI. 

    1. Nhu cầu văn hóa.

    2. Nhu cầu du lịch, giải trí, thể thao .

  4. XÃ HỘI CÔNG NGHỆ ÐƯƠNG ÐẠI VÀ TÁC ÐỘNG CỦA NÓ LÊN SINH QUYỂN.

 

Ngoài các nhu cầu thiết yếu số một là cái ăn, con người còn có các nhu cầu khác. Ðó là nhu cầu về quần áo, nhà ở, đi lại, học tập, văn hóa, thể thao du lịch... Chương này nhấn mạnh các nhu cầu về quần áo, nhà ở , đi lại và sơ lược về các nhu cầu còn lại.

I. NHU CẦU NHÀ Ở VÀ QUẦN ÁO

1. Khái niệm

TOP

Sự trang sức cho cơ thể và sự quần tụ xã hội có thể là những sức mạnh thúc giục ngưòi nguyên thủy trang điểm nghệ thuật hơn và xây dựng kỷ lưởng hơn. Nhưng chắc chắn là sự giữ nhiệt của quần áo và nhà ở cho phép con người, vốn có nguồn gốc xích đạo, có thể di chuyển về hai cực và cho phép duy trì các hoạt động khi phải đối phó với các kỳ băng hà đang tới.

Hai cách làm ấm bằng quần áo và nhà ở tiếp tục bổ sung nhau, cái này bù đắp cho sự thiếu sót của cái kia. Ngay cả ngày nay, sự sử dụng các quần áo tương đối mỏng ở trong nhà, trong các vùng khí hậu khác nhau, thật sự là do hiệu quả của việc sưởi ấm trong nhà nơi các vùng lạnh, cho phép con người có môi trường ít khắc nghiệt hơn, với việc bổ sung phần che chắn bên ngoài khi mà mùa lạnh đến.

Giữ nhiệt có hiệu quả là mục tiêu hàng đầu của việc tạo mẫu quần áo và nhà ở. Nhưng mục tiêu thứ hai lại phát triển nhanh, làm lu mờ mục tiêu trước. Khi con người di chuyển về hai cực, họ phải đương đầu sự thay đổi ngày đêm và mùa của điều kiện môi trường mà theo đó thói quen của họ cần phải sửa đổi. Việc săn bắn và hái lượm có lẻ chỉ diễn ra vào mùa thuận hợp, thực phẩm được dự trữ cho mùa bất lợi, khi đó người ta không làm việc nhiều mà thường tụ tập lại để có thể xem xét và đánh giá các dụng cụ thủ công. Quần áo và nhà ở được xem xét tỉ mỉ, đặc biệt là tính hiệu quả của chúng trong điều kiện khí hậu và công việc mới. Nghệ thuật được đưa vào sự tiện dụng của quần áo và nhà ở. Dáng vẻ và kiểu mẫu của một công cụ nào đó sẽ được ưa thích hơn, nên gía trị thẩm mỹ được chú ý hơn. Quyền sở hữu sẽ có vai trò trong việc phát triển của sự tạo mẫu, làm cho khái niệm về cái của tôi và cái của anh (meum and tuum) ăn sâu vào hành vi sinh vật học của con người.

Khía cạnh ngoại cảnh, tiện dụng, thẩm mỹ và sở hữu sẽ làm cho các kiểu dáng được củng cố hay tranh đấu với nhau. Sẽ có vài kiểu dáng hữu dụng hơn và chiếm ưu thế. Khía cạnh kinh tế xuất hiện, cái gì có giá trị xã hội đáng kể sẽ trở thành tập quán của nhóm. Quần áo và nhà ở sẽ có các mối quan hệ sinh thái học trong môi trường.

Với quần thể nhỏ và không gian rộng, con người không cần ngăn nắp và cầu kỳ. Khi mật số gia tăng, không gian trở nên có hạn và khi cơ may di dời đến nơi trù phú khác giảm đi, buộc người ta phải sống trong một hệ thống khép kín. Khi đó, người ta phải tạo ra sự trật tự ngăn nắp, tức phải đầu tư năng lượng nhiều hơn, tức phải khai thác và sử dụng tài nguyên nhiều hơn. Tài nguyên thiên nhiên, để làm các vật liệu tiêu dùng, không phải là không bị cạn kiệt. Các phụ phẩm từ các xí nghiệp mau chóng lấp đầy một cách vô tội vạ các khoảng đất trống. Nhà ở và nhà máy xây dựng chồng lấn nhau và tranh giành các khoảng không gian chật hẹp. Rác thải sinh hoạt và công nghiệp gây ra vấn đề ô nhiễm, đòi hỏi phải được xử lý.

Và như vậy, con người phải chịu thử thách không những với môi trường tự nhiên mà còn với những điều kiện phi tự nhiên đuợc tạo ra một cách vô tình hay vô trách nhiệm. Thật vậy, trong nhiều trường hợp, chính môi trường nhân tạo gây nhiều đe dọa và tạo ra tình trạng tiến thoái tam nan hiện đại (modern trilemma*): hoậc chúng ta chỉ đơn giản tiếp tục để con người chịu các tác động xấu của các sai phạm về mặt môi trường; hoậc chúng ta cho họ phuơng tiện bảo vệ trước các tác nhân đối nghịch; hoặc chúng ta sẽ tìm cách giảm thiểu và loại trừ các thứ nhân tạo vô bổ và không cần thiết ?

* Chú ý cách dùng từ: dilemma là sự nan giải, tiến thoái lưỡng nan; còn trilemma chưa có trong tự điển (theo sự hiểu biết của người soạn).

2. Vai trò cơ bản của quần áo và nhà ở

TOP

a. Vai trò cơ bản của quần áo và nhà ở

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là vai trò của quần áo và nhà ở trong việc tạo ra và giải quyết các vấn đề của người. Một cái nhà là để ở và quần áo là để giữ ấm. Cả hai liên quan một cách phức tạp với toàn bộ đời sống và do đó tới sinh thái học người.

Quần áo và nhà ở có nhiều chức năng khác nhau đối với con người.

- Quần áo và nhà ở bảo vệ con người khỏi bị tác hại cuả nhiệt độ quá cao hay quá thấp.

- Quần áo và nhà ở còn chống lại các tác hại vật lý khác, như tiếng ồn, bức xạ.

- Quần áo và nhà ở bảo vệ con người khỏi các tác hại hóa học và sinh học. Các thú dữ, rắn độc và các loài thiên địch khác từ xa xưa là kẻ thù của người, và gần đây các tác nhân gây bịnh và các vật truyền bịnh (vectors) lại còn đáng sợ hơn. Ngoài ra khói bụi và các khí độc khác có thể gây hại sức khỏe nếu không có các phương tiện phòng tránh hữu hiệu.

¨ Nhà ở

* Chức năng của nhà ở

Nhu cầu đầu tiên của người là sự che chở khỏi tác hại môi trường, kế đến là để chứa và bảo vệ tài sản của mình khỏi các đe dọa từ ngoài, kể cả các hành động ăn thịt của những người khác.

Các hoạt động trong nhà (ngoài các hoạt động chuyên môn), như nấu nướng, ăn uống, tắm giặt và ngủ nghỉ là các nhu cầu ngày càng gia tăng, đòi hỏi mở rộng căn nhà. Ngoài ra còn các nhu cầu vui chơi giải trí khác ở trong và quanh nhà.

* Ðiều cần có của nhà ở

Nhà ở cần thỏa các yêu cầu cơ bản sau đây:

· Bền chắc

· Tổ chức không gian liên quan tới thiết kế kiến trúc, cần đáp ứng các mặt:

- Tạo điều kiện cho các liên hệ của người trong nhà, thuận lơi cho các hoạt động cá nhân, như sản xuất, việc thông thường hay giải trí

- Tổng hợp khoảng không trong và ngoài nhà, và phối hợp các hoạt động bên trong và xung quanh

- Tạo cảm giác thoải mái, tự do, hay ít ra không có cảm giác tù túng.

- Có nét thẩm mỹ.

b. Chức năng và yêu cầu của quần áo

Quần áo có chức năng che chở khỏi tác hại của môi trường, đôi khi trong các môi trường đặc biệt (quần áo không gian, thợ lăn, lính chữa lửa, áo giáp che đạn...). Nhiều đe dọa từ thiên nhiên (côn trùng, ve, rắn rít...) hay nhân tạo (hoá chất, khí độc...) đòi hỏi người ta phải có những quần áo thích hợp.

Do đó yêu cầu hàng đầu của quần áo là sự tiện dụng cho người mặc. Thoải mái trong di chuyển, gia cố các nơi tiếp xúc nhiều (cùi chỏ, đầu gối), các túi, dây đai, dây nịt để máng dụng cụ làm việc là những thứ người ta chú ý khi chế tạo và sử dụng.

Hơn nữa quần áo cần bền chắc (nhất là cho công việc đặc biệt) , dễ giặt, dễ sửa chữa....

Ngoài ra , quần áo ngoài nhiệm vụ che thân còn làm đẹp và mang tính cá nhân hay cộng đồng của các dân tộc.Vấn đề thời trang đôi khi gạt qua một bên điều thiết yếu của cả sự tiện nghi và cẩn trọng, và đôi khi đưa người mặc tới nhiều phiền toái không cần thiết: tay chân lạnh cóng, chân biến dạng, thiếu thông thoáng...

Tóm lại, quần áo và nhà ở là các nhu cầu thiết yếu của con người. Khi dân số gia tăng, các khu đô thị phát triển và tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều, thì sự ràng buộc của quần áo và nhà ở với sinh thái học của người cần được xem xét tỉ mỉ và liên tục. Nhu cầu lịch sử của việc che thân (bảo vệ) được mở rộng, các nhu cầu mới được thêm vào và sự tác động lên môi trường ngày càng gia tăng mãnh liệt. Sự đánh giá các vấn đề đặt ra và các biện pháp sửa đổi cần được thực hiện trong sự phối hợp của nhiều lãnh vực khác nhau.

II. NHU CẦU ÐI LẠI

TOP

Nhu cầu đi lại hay di chuyển cũng là một trong các nhu cầu thiết yếu của con người. Hệ thống hoạt động của người (human activity system) bao gồm 3 điểm nút hoạt động (activity nodes), hay là 3 nơi đặc trưng cho các hoạt động này. Ðó là sống, làm việc và vui chơi. Chính sự di chuyển nối liền 3 hoạt động hay 3 nơi thực hiện các hoạt động trên.

Người ta còn có thể xếp các hoạt động của người theo các cách khác nhau. Nhưng tựu trung có thể xem nhà ở là trung tâm, từ đó người ta di chuyển đến các nơi khác để làm việc, học tập, giao dịch và giải trí.

Sự di chuyển (đi lại) đưa chúng ta đi từ nơi ở đến các địa điểm khác để thực hiện các sinh hoạt khác nhau. Ðó là sự đi lại thường ngày, có tính lập lại. Nên việc bố trí khoảng cách và cung cấp phương tiện di chuyển sao cho tiện lợi, tiết kiệm là điều quan tâm của các nhà thiết kế đô thị. Ngoài ra còn các sự di chuyển đường dài, liên quốc gia hay liên lục địa, cần các phương tiện nhanh hơn, hiện đại hơn và dĩ nhiên tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.

Công việc

Học tập - Giải trí

Việc nhà (nhà ở)

Loại hoạt động

Sản xuất

Dịch vụ

Phân phối

Nhóm- cá nhân;

diễn giả-khán giả;

chủ động-thụ động;

học tập, giải trí, tôn giáo, lễ hội...

Nấu nướng; may/sửa quần áo; nuôi dạy con; ngủ nghỉ, tắm giặt, phục hồi tinh thần...

Loại địa điểm

Bên trong hay ngoài:

sân, xí nghiệp, tiệm, văn phòng...

Bên trong hay ngoài:

nhà thờ, chùa, trường học, bảo tàng, thư viện, nhà, trung tâm sinh hoạt, công viên,sân chơi, sân bóng, thiên nhiên...

Bên trong:

nhà ở thường xuyên hay tạm thời cho nhiều hay ít người, chung cư, khách sạn, nhà di động, lều...

Di chuyển  

(Theo Lee, 1974)

Dấu <= => biểu diễn sự di chuyển

Tóm lại, đi lại (di chuyển) là một nhu cầu cơ bản của con người. Nó đòi hỏi phuơng tiện và năng lượng. Chính năng lượng sử dụng cho các phuơng tiện di chuyển ở các quốc gia phát triển (xe hơi, máy bay...) là nguyên nhân chánh cho sự cạn kiệt tài nguyên không tái tạo và ô nhiễm không khí.

III. NHU CẦU VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI

1. Nhu cầu văn hóa

TOP

Văn hóa là nét đặc trưng của loài người, không thấy ở bất kỳ một sinh vật nào khác. Các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới được duy trì, phổ biến và phát huy thông qua giáo dục và các phuơng tiện, như tiếng nói, chữ viết và các ký hiệu khác.

Một trong các phương tiện của văn hóa là chữ viết. Trong lịch sử của loài người, chữ viết được viết trên đất, đá, gỗ, lá cây, da thú, xương, kim loại... và hiện nay phổ biến nhất là giấy. Giấy được làm từ gỗ, rơm rạ, bã miá... nói chung là từ thực vật. Ngày nay, nhân loại sử dụng một luợng giấy khổng lồ, và điều này góp phần làm suy thoái thảm thực vật. Hơn nữa công nghiệp chế tạo giấy còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước.

Hiện nay, máy tính cá nhân là phương tiện hiện đại và hữu dụng lớn lao cho con người. Người ta tưởng nhờ có nó, chúng ta tiết kiệm giấy hơn. Nhưng trái lại, lượng giấy dùng không giảm vì in ấn nhanh và dễ hơn, nên người ta thải giấy nhiều hơn là khi đánh máy hay viết tay. Ngoài ra, các thế hệ máy tính thay thế nhau rất nhanh, khối lượng máy thải ra (thường làm bằng các vật liệu khó bị phân hủy) cũng đặt thành vấn đề cho các quốc gia phát triển.

Tín ngưỡng cũng là một mặt của nền văn hóa. Các tôn giáo khác nhau có những công trình kiến trúc để ghi lại công ơn người sáng lập và để tín đồ thực hành tín ngưỡng. Các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Châu Âu và chùa chiền Phật giáo ở Châu Á trước đây thường được xây cất bằng gỗ tốt, đã sử dụng một lượng gỗ đáng kể của các khu rừng lân cận.

2. Nhu cầu du lịch, giải trí, thể thao

Ðây cũng là các nhu cầu quan trọng của con người. Du lịch ngày nay trở thành nguồn thu nhập lớn cho nhiều quốc gia. Tuy gọi là ngành công nghiệp không khói, nhưng du lịch cũng gây nhiều thiệt hại cho môi trường và sinh vật hoang dã, và cũng làm ô nhiễm môi trường ở nhưng nơi thiếu sự quản lý chặt chẻ. Ở miền Nam , ai quan tâm đến môi trường sẽ thấy đau lòng trước sự tàn phá nhanh chóng của thực vật và động vật ở vùng biển Hà tiên, Vũng tàu, Nha trang... và các đảo Phú quốc, hòn Khoai...

Các công viên, sân bãi thể thao, các tụ điểm văn hóa... là không thể thiếu cho các khu dân cư của xã hội công nghiệp. Số lượng và chất lượng của các địa điểm trên ngày càng gia tăng theo sự gia tăng dân số và sự phát triển của xã hội.

IV. XÃ HỘI CÔNG NGHỆ ÐƯƠNG ÐẠI VÀ TÁC ÐỘNG CỦA NÓ LÊN SINH QUYỂN

TOP

Ðể thoả mãn các nhu cầu ngày càng tăng, con người không ngừng thăm dò, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên. Việc này có tác động tích cực là làm xã hội loài người ngày càng phát triển. Từ nền văn minh hái lượm và săn bắt, con người đã trải qua nền văn minh nông nghiệp và hiện nay là văn minh công nghiệp.

Chính vào đầu thế kỷ 19 manh nha các biến chuyển cho phép sự bung ra của xã hội công nghệ mà chúng ta hiện đang sống. Cấu trúc kinh tế của các nước châu Âu thay đổi mau lẹ; việc phát minh các máy kỹ nghệ, việc ứng dụng các kỹ thuật mới taọ thuận lợi cho vô số nhà máy. Ðồng thời nhiều cây trồng được nhập nội và các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi được phổ biến. Tất cả các chuyển biến này tạo ra tiền đề cho một sự thay đổi cơ bản trong mối tương quan giữa con người và thiên nhiên.

Xem xét hệ sinh thái con người trong xã hội kỹ nghệ hiện thời, người ta thấy 3 nguồn xáo trộn chủ yếu gây mất ổn định thiên nhiên.

¨ Giảm thiểu sự đa dạng của sinh giới của các môi trường khai thác bởi con người. Việc tạo ra các thành phố, sự đơn điệu hoá (uniformisation) nông thôn bởi sự độc canh kỹ nghệ trên các vùng đất rộng lớn, sự tàn phá các thảm thực vật rừng, sự tận diệt các nơi ở được cho là không khai thác được bởi con người (đầm lầy). Các động vật hoang dã hầu như hoàn toàn bị tiêu diệt trong các vùng "phát triển" của trái đất (Ramade, 1989).

¨ Chu trình vật chất bị gián đoạn vì chất thải do con người không được phân hủy, khoáng hóa bởi các sinh vật phân hủy. Hoạt động phân hủy của các sinh vật này bị ngăncản bởi các chất ô nhiễm rất độc hại. Hơn nữa kỹ nghệ chế ra vô số chất không thể phân hủy sinh học được, chúng tích tụ trong khí quyển, thủy quyển và đất, gây xáo trộn cho sự hoạt động của hầu hết các HST. Sự tích tụ không ngừng của chất thải không tái sinh trong nhiều sinh cảnh gây ra 1 sự đảo lộn các chu trình vật chất. Thêm vào đó con người còn đưa vào 1 lượng lớn sản phẩm nhân tạo. Sự sử dụng ồ ạt và ngày càng tăng các nhiên liệu hóa thạch đã làm thay đổi sâu xa các chu trình carbon và lưu huỳnh, và thay đổi mức độ chu trình đạm. Hơn nữa con người còn lấy từ thạch quyển nhiều loại khoáng sản (dùng chế tạo phân bón chẳng hạn), các kim loại ít có trong sinh quyển (như thủy ngân) và nhiều khoáng sản khác để rồi phát tán ra môi trường với số lượng đáng kể. Sự tích tụ rác là 1 vấn nạn lớn của nền văn minh hiện nay.

¨ Dòng năng lượng bị biến đổi hoàn toàn. Văn minh tây phương là nơi ngốn năng lượng. Như Hoa Kỳ, chỉ 4,9% dân số thế giới (1985), tiêu thụ đến 1 phần tư của sản lượng năng lượng toàn cầu, tức là 1,8 tỉ tấn tương đương dầu lửa (TEP = Tonne d'Equivalent-Pétrole) trong tổng số 7,4 tỉ TEP toàn cầu. Trong nước này, ước lượng sự tiêu thụ năng lượng trung bình trong năm 1985 là 210.000 Kcal/người/ngày, từ sự đốt cháy hydrocarbon hóa thạch và than gỗ.

Con người lấy năng lượng từ 2 nguồn. Thứ nhất là từ thực phẩm, tức là dạng năng lượng loãng, từ họat động quang hợp của thực vật. Còn lại là từ một nguồn năng lượng đậm đặc, do sự tích tụ (trong nhiều trăm triệu năm) năng lượng mặt trời biến đổi bởi thực vật hóa thạch và tích trữ trong quặng dầu mỏ và than đá , gọi là nhiên liệu hóa thạch.

Chính nhờ sự sử dụng nguồn năng lượng đậm đặc này mà con người có thể làm tăng sản lượng nông nghiệp ở vài thập kỷ gần đây. Sức kéo học của máy móc cho phép canh tác trên nhiều diện tích rộng lớn mà trước đây dùng nuôi động vật lấy sức kéo. Do đó, theo H.T. Odum (1971) "thì xã hội công nghiệp có ảo tưởng rằng sự gia tăng sản lượng nông nghiệp là do sự thụ đắc các kiến thức mới trong việc sử dụng năng lượng mặt trời. Ðó là ảo tưởng vì con người kỹ nghệ không còn ăn khoai tây do quang hợp nữa. Nay thì họ ăn khoai tây một phần làm ra từ dầu lửa."

Thật vậy, nguồn năng lượng không từ quang hợp (nhiên liệu hóa thạch) dùng trong trồng trọt thông qua các công cụ lao động, phân hóa học, nông dược. Sự gia tăng không ngừng của việc tiêu thụ năng lượng trong nền văn minh kỹ nghệ gây nhiều quan ngại cho nhân loại. Ngoài sự ô nhiễm, là sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái sinh và tổng quát là sự siêu tiêu thụ các tài nguên của sinh quyển. Sự gia tăng dân số quá nhanh càng làm cho vấn đề càng nghiêm trọng. Không một loài sinh vật nào có thể khai thác môi trường thiên nhiên mà không biết đến các định luật về sự tái tạo các chất và với mức độ không tương quan với sự trường tồn của sinh giới. Quần thể nào tiêu thụ nhiều hơn sức sản xuất của hệ sinh thái, tức tiêu thụ không chỉ lợi nhuận mà cả vốn, ắt phải bị nguy cơ diệt vong (Ramade, 1989).

Top Previous Index Next Home